Những điều cần biết về dịch tả lợn châu Phi

14:54, 24/03/2019

Dịch tả lợn châu Phi (African Swine Fever - ASF) khiến lợn bị bệnh nhanh và có tỷ lệ tử vong cao, nhưng ASF lại không gây bệnh cho con người. Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở nhiều nơi, trang tin Nahf.co.za (NCZ) của CH Nam Phi vừa cập nhật những điều cần biết để giúp các hộ chăn nuôi tham khảo, phòng ngừa.

Vài nét về dịch tả lợn châu Phi

Là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn nhà và lợn rừng do một loại virus chứa thông tin di truyền DNA thuộc họ Asfarviridae gây ra. Nguyên nhân gây bệnh có đặc tính kháng nguyên hoàn toàn khác với virus gây dịch tả lợn cổ điển (Classical Swine Fever hay CSF).

Đặc thù ASF là gây sốt xuất huyết với tỷ lệ tử vong cao, liên tục lây nhiễm cho các vật chủ tự nhiên từ những con ve thuộc chi Ornithodoros. ASF lây lan ở mọi độ tuổi lợn, tỉ lệ tử vong cao lên đến 100%.

Virus chứa DNA thuộc họ Asfarviridae là một virus DNA sợi kép lớn, sao chép trong tế bào chất của tế bào bị nhiễm. Lây nhiễm sang lợn nhà cũng như lợn rừng từ những con ve Ornithodoros có khả năng hoạt động như một vật trung gian truyền bệnh.

Một số chủng phân lập có thể gây chết động vật nhanh sau một tuần nhiễm bệnh. Đây là loài virus đặc hữu của vùng cận Sahara châu Phi, tồn tại trong tự nhiên thông qua một chu kỳ lây nhiễm giữa ve và lợn hoang.

Dịch tả heo ASF xuất hiện lần đầu tại Kenya vào năm 1921 và sau đó lây lan nhanh, trở thành dịch bệnh địa phương tại nhiều nước tại khu vực châu Phi. Năm 1957, lần đầu bệnh ASF được phát hiện và báo cáo tại châu Âu. Đến nay, dịch bệnh này đã xuất hiện ở nhiều nước châu Âu, trong đó Armenia báo cáo bệnh xuất hiện vào năm 2007 và Azerbaijan vào năm 2008.

Từ cuối năm 2017 đến nay, có trên 12 quốc gia, như Trung Quốc, Liên bang Nga, Tiệp Khắc, Hungari, Latvia, Moldova, Phần Lan, Rumani, Nam Phi, Ukraina và Zambia báo cáo có dịch ASF.

10 điều cần biết về ASF

1. ASF được tìm thấy ở lợn bướu thông thường, lợn rừng và lợn hoang khác ở Limpopo, Mpumalanga, Tây Bắc, phía bắc KwaZulu-Natal và các vùng khác của Nam Phi.

2. ASF khiến lợn thuộc mọi độ tuổi đều có thể mắc bệnh nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Đến nay chưa có thuốc chữa khỏi ASF, nhưng nó lại không gây bệnh cho con người.

3. Lợn khỏe mắc bệnh nếu tiếp xúc với những con lợn bị ASF hoặc tiếp xúc với lợn rừng thông qua ve đốt.

4. Lợn nhà có thể bị lây nhiễm ASF nếu ăn chất thải từ thực phẩm dư thừa của con người có chứa mầm bệnh nhiễm ASF. Theo quy định, chất thải nội trợ dùng cho lợn cần nấu chín kỹ sau 1 giờ trước khi cho lợn ăn.

5. Lợn mắc bệnh ASF có các dấu hiệu như sốt, chán ăn, khó thở, nếu mang thai sẽ bị hư, tấy đỏ ở vùng tai, mũi, bụng và chân..., và chết rất nhanh trong vòng 2 đến 10 ngày sau khi mắc bệnh.

6. ASF lây lan nhanh giữa lợn ốm và khỏe trong toàn đàn từ 2 - 10 ngày.

7. Một số lợn bị bệnh nhưng không chết được coi là nguy hiểm vì chúng vẫn có thể làm cho những con lợn khác nhiễm bệnh.

8. Nếu nghi ngờ mắc ASF, nên thông báo cho cơ quan thú y địa phương. Kỹ thuật viên hoặc bác sĩ thú y sẽ đến kiểm tra, xác minh lợn khỏe hay mắc bệnh.

9. Các khu vực hoặc đàn gia súc bị ảnh hưởng cần được đặt cách ly để ngăn ngừa phát dịch diện rộng.

10. Không bán hoặc sử dụng lợn bị bệnh ASF. Không nên mua bán lợn trong khu vực đang có dịch ASF.



Đơn vị cung cấp Làm Chủ Cuộc Săn Với Heo Rừng uy tín