Mùa hè, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều là thời điểm dễ phát sinh các loại dịch bệnh. Vì vậy, công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh mùa Hè được Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên xác định là nhiệm vụ quan trọng, không thể lơ là.
Những năm gần đây, mô hình bệnh tật lại có nhiều thay đổi, không ít loại bệnh trước đây thường chỉ xuất hiện vào mùa Đông - Xuân như quai bị, thủy đậu, cúm, thì nay xuất hiện cả vào mùa Hè. Tình hình dịch bệnh thời điểm này đang ổn định nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Do thời tiết có những diễn biến bất thường, là nguyên nhân có thể bùng phát các loại dịch bệnh như tả, lỵ amip, thương hàn, sốt xuất huyết, viêm não, viêm màng não, sốt phát ban và sốt do các loại vi rút khác gây ra.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố có 149 ca nhiễm cúm; 2 ca lỵ amip; quai bị 33 ca; thủy đậu 21 ca; tiêu chảy 27 ca; viêm gan virut 22 ca, sởi 20 ca; tay – chân – miệng 8 ca và 2 ca sốt xuất huyết ngoại lai. Thạc sĩ, bác sĩ Phan Bích Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên cho biết: Hiện, dịch bệnh mùa hè thường xảy ra như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, sởi. Nắng nóng kéo dài người dân cần chú ý phòng tránh các bệnh do thời tiết gây ra, như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, viêm não, viêm màng não. Chúng tôi cũng khuyến cáo với người dân: cần chủ động phòng tránh nắng nóng, bảo đảm dinh dưỡng, uống nước đầy đủ, thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng, hạn chế đưa tay lên vùng mặt, che chắn mỗi khi ra ngoài nắng, chủ động tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra trong mùa Hè. Đối với những người mắc các bệnh không lây nhiễm hạn chế đến chỗ đông người, sử dụng khẩu trang cá nhân để hạn chế lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm.
Để chủ động phòng, chống các dịch bệnh mùa Hè, Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên đã có công văn chỉ đạo trạm y tế các xã, phường tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, bao gồm: Chỉ đạo, theo dõi việc giám sát sịch bệnh trên địa bàn toàn Thành phố, đặc biệt là các ổ dịch cũ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời; tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng về các biện pháp dự phòng lây nhiễm dịch bệnh truyền nhiễm như sởi, tay - chân - miêng, thủy đậu, rubella, nhiễm liên cầu khuẩn lợn; các biện pháp phòng, chống dịch tả, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm; các dịch bệnh khác thường xảy ra trong mùa Hè, sau mùa bão lụt…
Tổ chức giám sát 100% số người bệnh nghi ngờ trong cộng đồng, bệnh viện, thực hiện báo cáo nhanh các ca bệnh truyền nhiễm, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm như tay - chân - miệng, tả, thương hàn, sốt xuất huyết, viêm não vi rút, viêm màng não do não mô cầu, sởi, cúm A(H1N1), viêm đường hô hấp cấp nặng do viruts, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh để kịp thời xử lý nguồn lây, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng… theo dõi, cách ly và điều trị kịp thời.
Đặc biệt chú ý tới các đối tượng là trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người cao tuổi, người mắc các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, huyết áp, tim mạch. Song song với đó, tập huấn chuyên môn, kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và điều trị các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, cúm A (H1N1), bệnh tay - chân - miệng, bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm cho đội ngũ y, bác sĩ trực tiếp làm công tác khám, chữa bệnh, cán bộ đội y tế dự phòng và cán bộ trạm y tế xã, phường.
Chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất và trang thiết bị phục vụ khi có dịch xảy ra. Khi xảy ra dịch thì triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch. Đối với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch nguy hiểm đều phải được tập trung theo dõi, đưa vào khu vực cách ly; tất cả những bệnh nhân được xác định mắc bệnh dịch nguy hiểm được chuyển tuyến theo hướng dẫn để điều trị, cách ly theo quy định. Ban Chỉ đạo và Đội chống dịch triển khai khẩn cấp phương án phòng, chống dịch, xử lý ổ dịch, điều trị cho bệnh nhân theo đúng hướng dẫn của Sở và Bộ Y tế. Tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng về các biện pháp dự phòng, tránh lây lan dịch trên diện rộng và các vùng lân cận.