Bảo đảm môi trường nông thôn: Không dừng lại ở các chỉ tiêu “cứng”

09:50, 04/06/2019

Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Định Hóa đã có 8/23 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm theo Bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM). Các địa phương này đã xây dựng được khu vực tập kết và thu gom rác thải; quy hoạch nghĩa trang tập trung; đạt tỷ lệ số hộ hoàn thành tiêu chí “3 sạch”… Tuy nhiên, đây mới dừng lại ở các chỉ tiêu “cứng”. Còn về vấn đề làm thế nào để phát huy hiệu quả các công trình, hướng tới mục tiêu cuối cùng là bảo đảm môi trường nông thôn thì cần nhiều giải pháp và sự nỗ lực hơn nữa của từng địa phương.

Tháng 4-2019, xã Kim Phượng tổ chức đón Bằng công nhận đạt chuẩn NTM. Sau niềm hân hoan chung, lãnh đạo xã xác định không được lơ là, bằng lòng với kết quả này mà cần bắt tay ngay vào việc củng cố, hoàn thiện các tiêu chí còn yếu, trong đó có vấn đề bảo đảm môi trường nông thôn. Bà Trần Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Riêng với chỉ tiêu thành phần là thu gom và xử lý rác thải, trên địa bàn xã đã xây dựng được 15 bể thu gom rác thải tập trung (mỗi bể có diện tích trên 15m2), còn 2 khu vực chưa làm được là các xóm Đồng Nghè - Nà Pẻn - Na Pó và Nam Cơ. Với những xóm thưa dân thì các hộ được hỗ trợ xây dựng bể chứa rác thải của gia đình để xử lý tại chỗ. Ngoài ra, trên các cánh đồng còn đặt thêm bể bê tông chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, điều địa phương còn băn khoăn là việc thu gom rác thải đi xử lý còn chậm. Toàn huyện mới có 2 chiếc xe chuyên dụng vận chuyển rác nên mỗi tuần chỉ đến lấy rác tại xã được 2 lần, đôi lúc xảy ra tình trạng ồn ứ rác thải gây mất mỹ quan. Cùng với đó, ý thức của người dân trong việc thu gom, phân loại rác ngay tại gia đình còn hạn chế, một số vẫn vứt ra sông suối gây ô nhiễm. Xã đã giao cho chi hội phụ nữ các xóm phân công thành viên thu gom rác thải tại các gia đình rồi chuyển đến điểm tập trung, nhưng do nhiều hộ đóng tiền phí chưa đầy đủ hoặc không đóng nên việc duy trì hoạt động này gặp khó khăn. Vì vậy, xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của bà con trong lĩnh vực này...

Đối với xã Bảo Cường cũng đã hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm từ lâu, nhưng theo ý kiến đánh giá của ông Mạc Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã thì đây là vấn đề muôn thủa và địa phương còn rất nhiều việc phải làm. Các chỉ tiêu thành phần về nội dung này đều đạt và hiện là địa phương được chọn xây dựng NTM kiểu mẫu. Tuy vậy, vẫn còn 2 vướng mắc mà xã chưa có hướng giải quyết. Thứ nhất là việc xây dựng nghĩa trang nhân dân. Khi được công nhận đạt chuẩn, Bảo Cường mới hoàn thành quy hoạch nghĩa trang tập trung nhưng chưa thể khởi công xây dựng. Lý do theo ông Vỹ là thiếu kinh phí và nhân lực. Bởi dù đã chọn được địa điểm phù hợp thì làm nghĩa trang đòi hỏi phải san gạt, xây dựng tường bao, nhà quản lý và thuê người trông coi. Thêm nữa là đặc thù phong tục tập quán ở nông thôn, người dân tộc thiểu số không muốn chuyển mồ mả đã chôn cất trên đất của nhà đình vào nơi tập trung. Những người mới qua đời thì phải xem ngày, chọn hướng theo tuổi chứ không để chung một hướng giống nhau trong nghĩa trang được. Thứ nữa là việc xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Ở các cánh đồng đã đặt bể chứa rác là chai lọ, bì thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, những bể này đã gần đầy nhưng chưa có hướng giải quyết. Tự đốt thì gây ô nhiễm môi trường và không xử lý được triệt để do có cả vật liệu bằng thủy tinh. Gom lại chuyển đến nơi xử lý tập trung như rác thải sinh hoạt cũng không ổn vì đây là loại rác thải độc hại.

Khảo sát thêm ở một số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm như: Đồng Thịnh, Phượng Tiến, Phúc Chu, Trung Hội… chúng tôi nhận thấy chung một số hạn chế về vấn đề này. Đó là còn tình trạng một số người dân tùy tiện đổ rác ra trục đường, sông suối; lượng nước thải, rác thải sản xuất và sinh hoạt ngày càng lớn trong khi năng lực thu gom chưa đáp ứng kịp, địa phương chưa có lò đốt rác nên xử lý không triệt để; một số gia trại, trang trại chăn nuôi dù có hệ thống hầm biogas nhưng còn phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Ý kiến của đại diện các xã cho rằng, trong tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, có những chỉ tiêu thành phần khó định lượng cụ thể, nên ranh giới giữa đạt và không đạt là rất mong manh, như: Cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản bảo đảm quy định về môi trường; xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; mai táng phù hợp theo quy định và theo quy hoạch…

Được coi là tiêu chí “động” nên để duy trì và giữ vững kết quả về môi trường và an toàn thực phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan. Do vậy, rất cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn xóm, huy động tham gia đóng góp của doanh nghiệp để đạt chuẩn các chỉ tiêu bắt buộc. Đặc biệt, vai trò của người dân vừa là chủ thể thực hiện, vừa là đối tượng thụ hưởng rất quan trọng. Trước hết bằng việc nâng cao ý thức từ mỗi gia đình, quan tâm đầu tư các công trình nhà tắm, nhà tiêu, bể chứa nước bảo đảm; chăm lo khuôn viên gọn gàng, khoa học. Thứ nữa là nâng cao ý thức thu gom, phân loại và xử lý rác đúng quy định, tích cực cùng tạo dựng môi trường của cộng đồng từng bước sạch đẹp hơn.