Mới đây, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn A (tên đã được thay đổi), 52 tuổi, trú tại huyện Đại Từ vào viện trong tình trạng nguy kịch, bị sốc, đa chấn thương phức tạp mức độ nặng do hỏa khí, vết thương phức tạp vùng ngực, cụt 2 chi trên (vị trí 1/3 dưới 2 xương cẳng tay trái) với vết thương nham nhở, lộ gân, xương, mất nhiều máu và nhiều vết thương khác trên cơ thể.
Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ để tiến hành phẫu thuật làm sạch vết thương, cắt bỏ tổ chức gân cơ bầm dập, cắt cao dây thần kinh giữa, thần kinh trụ, thắt động mạch trụ, cắt cao xương quay, xương trụ và cầm máu cho bệnh nhân. Kết quả XQ có hình ảnh đụng dập nhu mô phổi thùy trên hai bên.
Sau khi cấp cứu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, hiện tại tình trạng bệnh nhân ổn định và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tích cực tại khoa Gây mê hồi sức. Qua tìm hiểu được biết, trước đó, bệnh nhân cưa mìn tại nhà để lấy thuốc nổ, sau đó bị mìn nổ nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trên.
ThS.BS. Nguyễn Thanh Tùng, khoa Chấn thương chỉnh hình - người trực tiếp mổ cho bệnh nhân cho biết: Từ trước đến nay, khoa đã tiếp nhận một số trường hợp bị thương do nổ mìn, nhất là ở các khu vực có sông, suối, hồ, đập, đồi núi. Hiện nay, tình trạng tự chế mìn, đã và đang trực tiếp gây nguy hiểm tới tính mạng người dân.
Đã có rất nhiều vụ thương tâm do hậu quả cưa bom mìn, vì thế các bác sỹ khuyến cáo, người dân không nên nhặt, cưa, phá bom mìn, vật liệu nổ còn tồn sót sau chiến tranh để lấy thuốc nổ, sắt vụn. Khi phát hiện ra bom mìn cần báo cáo cho chính quyền địa phương để kịp thời sử lý, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc như trên.