Nắng nóng, bệnh nhân nhập viện cấp cứu tăng

16:37, 23/06/2019

Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nền nhiệt lên đến hơn 40 độ C đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Điều đó dẫn đến số lượng bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp và đường hô hấp phải nhập viện những ngày gần đây tăng cao.

Những ngày này, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện Đa khoa Định Hóa tăng trên 50 ca so với trước đợt nắng nóng. Trung bình mỗi ngày có 12-14 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, trong đó, chủ yếu là bệnh tim mạch, hô hấp, huyết áp (tăng 5-7 bệnh nhân so với ngày thường). Đơn cử như trường hợp của Ông Bàn Văn Đường 72 tuổi, xóm Khuổi Chao, xã Bảo Linh (Định Hóa) nhập viện trong tình trạng bị đột quỵ, liệt nửa người, phản xạ kém và không nói được. Các bác sĩ cho biết: Ông có tiền sử bị cao huyết áp. Trong những ngày nắng nóng, mặc dù không ra ngoài trời nắng nhưng nhiệt độ trong nhà cao khiến cơ thể toát mồ hôi, mất nước liên tục dẫn đến bị đột quỵ. Do người nhà phát hiện kịp thời đưa ông đi cấp cứu nên hiện tại sức khỏe của ông đã dần hồi phục, bắt đầu có phản xạ và cử động được chân tay. Ngoài  trường hợp của ông Đường, Bệnh viện còn tiếp nhận nhiều ca cấp cứu trong tình trạng tương tự nhưng đều kịp thời được cứu chữa, ít để lại di chứng.

Không chỉ bệnh viện Đa Khoa Định Hóa mà hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều có số lượng bệnh nhân vào khám tăng cao. Tại Bệnh viện Đa khoa Phú Bình, số lượng người dân vào khám bệnh tăng hàng trăm lượt so với trước đợt nắng nóng, số người phải nhập viện cũng tăng từ 10-15 ca. Bác sĩ Phạm Thái Bình, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện cho biết: Bệnh nhân liên quan đến các bệnh hô hấp, tim mạch, huyết áp phải cấp cứu tăng từ 8-10 ca/ngày. Phần lớn ca cấp cứu là người già có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp và trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp. Ngày cao điểm nắng nóng, Bệnh viện cấp cứu hàng chục ca bệnh nhi gặp vấn đề về đường hô hấp.

Trong thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài, ai cũng có nguy cơ bị say nắng. Đặc biệt, tình trạng này rất dễ xảy ra khi chúng ta tiếp xúc môi trường nắng nóng khoảng 40 độ C trong thời gian dài. Bác sĩ Tạ Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Phú Bình khuyến cáo: Trong thời tiết nắng nóng từ 40 độ C trở lên, mọi người không nên làm việc trực tiếp dưới trời nắng quá 1 giờ đồng hồ. Nếu bắt buộc phải làm việc dưới trời nắng, người lao động phải thường xuyên bổ sung nước cho cơ thể dù không cảm thấy khát, mặc đầy đủ trang phục bảo hộ. Đối với người làm văn phòng không nên mở điều hòa ở nhiệt độ quá thấp, khi ra khỏi phòng không đột ngột ra nắng để tránh bị sốc nhiệt. Đối với người cao tuổi cần thường xuyên kiểm tra huyết áp và thông báo sớm về tình trạng bất thường của cơ thể cho người thân. Ngoài ra, để phòng một số bệnh thông thường dễ mắc phải khi thời tiết nắng nóng, mọi người dân, đặc biệt người già và trẻ nhỏ cần ăn uống đầy đủ, đa dạng chất dinh dưỡng, bổ sung các loại hoa quả để tăng sức đề kháng.