Gánh nặng suy dinh dưỡng và thừa cân ở học sinh

16:26, 13/08/2019

Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học và chuyên gia dinh dưỡng, học sinh Việt Nam đang đối mặt với cả hai vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi và thừa cân béo phì. Nguyên nhân cơ bản bắt nguồn từ khẩu phần ăn ở cả gia đình và nhiều cơ sở giáo dục hiện hầu như chỉ được kiểm soát bằng cảm tính.

Ăn thiếu chất cả ở nhà và ở trường

Ở nước ta, có một thực tế đáng buồn là nhiều phụ huynh và cơ sở giáo dục chưa quan tâm đến việc trang bị kiến thức về dinh dưỡng học đường. Thậm chí, phần lớn các ông bố, bà mẹ chỉ cần nhìn thấy bữa trưa ở trường của con có đủ thịt, cá, rau và đồ tráng miệng là hài lòng. Chính vì vậy, không ít học sinh và thậm chí người trưởng thành tại các đô thị lớn vẫn thiếu vitamin A, thiếu i-ốt cũng như nhiều loại vi chất khác. Trong khi đó, tình trạng thừa cân béo phì lại diễn ra quá phổ biến và có xu hướng gia tăng nhanh chóng.

Một trong các nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên xuất phát từ việc ăn uống không hợp lý tại cả gia đình và trường lớp. Trẻ mầm non nói chung chỉ đạt 2/3 nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị; trẻ ở độ tuổi 6-11 không đạt nhu cầu khuyến nghị. Ngoài ra, có nhiều trường hợp trẻ em ở cả nông thôn và thành phố thiếu can-xi hoặc có tỷ lệ can-xi/phốt-pho chưa hợp lý.

Theo PGS, TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia, khẩu phần ăn của học sinh tiểu học ở nước ta hiện đáp ứng nhu cầu cao hơn khuyến nghị về năng lượng và protein. Thế nhưng, khẩu phần ăn của học sinh THCS lại chưa đạt mức khuyến nghị, đặc biệt là về mức năng lượng, khẩu phần can-xi, sắt, kẽm và nhiều nhóm vitamin A, B, C.

TS, BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học ứng dụng Việt Nam, dẫn các số liệu nghiên cứu cho biết: nếu so sánh với một số nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc... thì bữa ăn học đường ở Việt Nam cần tăng thêm khẩu phần rau xanh, trái cây, tiến tới hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối. Cùng với đó, bữa trưa học đường của học sinh tiểu học và THCS nước ta dù đã cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế như chưa có danh mục thực phẩm cung cấp năng lượng hay vi chất thiết yếu theo nhóm tuổi, theo mùa.

Xây dựng thực đơn khoa học

Phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một trong sáu mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22-2-2012. Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố then chốt đối với sự tăng trưởng và khả năng kiểm soát sức khỏe, bệnh tật.

Trong đó, bữa ăn học đường chiếm phần quan trọng trong khẩu phần ăn thực tế hằng ngày của trẻ em. Khẩu phần thiếu hợp lý sẽ dễ đẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu vi chất hoặc thừa cân, béo phì... ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, quá trình phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em nói riêng, sự gia tăng tăng trưởng của người Việt Nam nói chung. Vì vậy cần phát triển một công thức thực đơn đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng và phong phú, với nguồn thực phẩm an toàn dành riêng cho học sinh tiểu học và THCS. Để bảo đảm cho hướng đi này, cần cập nhật các thông tin khoa học, khuyến nghị mới, khách quan của các tổ chức trong cũng như ngoài nước. Những công thức thực đơn khoa học này còn có thể giúp gia đình và nhà trường kết hợp giáo dục dinh dưỡng sớm cho trẻ.

Với những vấn đề nhức nhối về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm hiện nay, đã đến lúc đưa ra các giải pháp đặc thù và can thiệp nhất định đối với từng vùng, địa phương nhằm từng bước giải quyết gánh nặng kép về dinh dưỡng: chống thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân, béo phì. Cụ thể, bảo đảm đáp ứng từ 45-55% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị, các vi chất thiết yếu đối với học sinh tiểu học; 30-40% nhu cầu đối với học sinh THCS; khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường, muối; hình thành thói quen ăn uống tốt, tăng cường tập thể dục thể thao trong giai đoạn học đường.