​Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

11:34, 18/08/2019

​Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Đây là một loại bệnh chưa có thuốc đặc trị và vắc - xin phòng bệnh. Do đó, để phòng, chống bệnh, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, còn đòi hỏi sự chủ động, tích cực của người dân. 

Gần 2 năm nay, chị N.T.L, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con. Do không được phát hiện và đưa đi viện điều trị kịp thời nên cậu con trai mới hơn 1 tuổi của chị đã mãi mãi ra đi vì bị sốt xuất huyết dẫn tới xuất huyết não. Chị chia sẻ: Đó là bài học cho tôi và cả gia đình. Giá như chúng tôi không chủ quan thì đã có thể phát hiện và điều trị bệnh cho con trai kịp thời.

 Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm do vi rút gây ra mà muỗi vằn chính là trung gian truyền bệnh. Người bệnh sẽ xuất huyết não, ruột… nếu không cứu chữa kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Bệnh có khả năng lan thành dịch do nhiều người bị mắc một lúc nên rất khó chữa trị.

Không riêng gì con chị L., trên cả nước, có không ít trường hợp đã tử vong do mắc sốt xuất huyết. Theo nhận định của ngành Y tế thì dịch sốt xuất huyết đang bùng phát và diễn biến rất phức tạp ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Năm nay, dịch bệnh sốt xuất huyết đến sớm hơn và số ca mắc tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Thời gian qua, tại 20 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam của cả nước đã có gần 50.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Tại Thái Nguyên, từ đầu tháng 6 đến nay, có 15 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó hầu hết các bệnh nhân di chuyển từ địa phương có dịch bệnh về. Riêng 3 ngày cuối tháng 7, trên địa bàn tỉnh có 6 trường hợp, trong đó có 3 người trong cùng  một gia đình ở tổ 2, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) cùng nhập viện do mắc sốt xuất huyết.

Hiện mới là đầu mùa dịch bệnh, tuy nhiên, với những biến đổi về dịch tễ học, nguy cơ xuất hiện các ổ dịch trên địa bàn tỉnh và việc gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết là hoàn toàn có khả năng nếu như không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo bác sĩ Hà Đức Trịnh, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viên Trung ương Thái Nguyên: Có nhiều dấu hiệu nhận biết người đã mắc bệnh sốt xuất huyết như sốt lâu khó hạ, chóng mặt, buồn nôn; đau dữ dội vùng trán, nhưng không ho hay sổ mũi. Đây là những trường hợp nhẹ còn nếu bị nặng thì người bệnh sẽ bị xuất huyết, xuất hiện các chấm xuất huyết, chảy máu cam, chảy máu răng, buồn nôn, tiêu chảy… Khi chúng ta cảm thấy có một số biểu hiện trên thì cần bình tĩnh. Trong trường hợp nhẹ, chúng ta uống nhiều nước, ăn thêm hoa quả để bình phục. Còn khi bệnh có dấu hiệu nặng phải chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để điều trị càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trịnh, việc phòng bệnh quan trọng hơn chữa và chống bệnh. Vì lẽ đó, trước hết các cấp, ngành chức năng nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là độ nguy hiểm của bệnh để mọi người không chủ quan và chủ động phòng tránh. Đồng thời, chia sẻ thông tin với tất cả mọi người để toàn xã hội cùng chung tay phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Về cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, trước hết, chúng ta phải ngăn không cho muỗi vằn sinh sản và không để bị loại muỗi này đốt. Do đó, chúng ta phải đậy nắp kín các loại chum vại, dụng cụ đựng nước; không cho muỗi có môi trường sinh sản, đẻ trứng.

Ngoài ra, chúng ta hãy thả những sinh vật ăn bọ gậy như cá vàng để chúng diệt muỗi ngay ở giai đoạn đầu; vệ sinh thường xuyên đồ dùng đựng nước như thau, chậu, chum, vại ( khoảng 7 ngày/ lần là hợp lý nhất). Việc này đòi hỏi chúng ta phải ghi nhớ và thường xuyên kiểm tra các đồ dùng chứa nước này, tránh để quá lâu rất nguy hiểm. Đặc biệt, chúng ta nên cho thêm muối vào các bát nước ở chân trạn đựng bát, đũa hay nơi ngủ, tránh cho muỗi đẻ trứng; thường xuyên quét dọn, phát dọn các bụi rậm quanh nhà…

Cùng với đó, mọi người nên có biệp pháp phòng tránh muỗi đốt, như: Đi ngủ phải buông màn kể cả ban ngày; mặc quần áo dài, đeo gang tay khi đi vào những nơi rậm rạp nhiều muỗi; dùng vải rèm có tác dụng ngăn muỗi ở cửa sổ hay lối ra vào; sử dụng các loại hóa chất diệt muỗi, bôi thuốc chống muỗi…

Song song với những biện pháp trên, mỗi người dân không chỉ biết bảo vệ mình mà nên có những biện pháp hữu ích để bảo vệ cả những người xung quanh.