Bệnh whitmore khó lây truyền từ người sang người. Đây không phải là bệnh mới nhưng nay nhờ áp dụng sinh học phân tử nên chẩn đoán nhanh và chính xác nhiều ca bệnh hơn trước.
Đường lây của bệnh whitmore
Trước thông tin hoang mang về vi khuẩn whitmore được nhiều người gọi là vi khuẩn ăn thịt người, mới đây, Cục Y tế dự phòng đã chia sẻ những thông tin về bệnh lý này. Theo đó, bệnh melioidosis (whitmore) do trực khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh melioidosis khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei.
Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, bệnh melioidosis gặp ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ, gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước. Bệnh melioidosis dễ bị mắc ở những người có các bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, suy giảm miễn dịch…
Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.
Chẩn đoán bệnh Melioidosis dựa vào các yếu tố dịch tễ như tiếp xúc với đất, nước, bụi, các dấu hiệu lâm sàng và có kết quả định danh vi khuẩn B. pseudomallei từ các mẫu bệnh phẩm.
Theo Cục Y tế dự phòng, điều trị căn nguyên gây bệnh Melioidosis bằng sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B. pseudomallei. Kèm theo đó là điều trị các triệu chứng và các biến chứng kèm theo và chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe người bệnh. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh melioidosis.
Không hoang mang vì thông tin “vi khuẩn ăn thịt người”
Theo PGS, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh whitmore đã được ghi nhận từ năm 1912. Vi khuẩn gây bệnh không lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người nên không gây thành dịch.
Đây không phải là bệnh mới nhưng nay nhờ áp dụng sinh học phân tử nên chẩn đoán nhanh và chính xác hơn nên số lượng ca được phát hiện nhiều hơn. “Bệnh có kháng sinh đặc hiệu điều trị khỏi. Do vậy không nên hoảng loạn về bệnh này”, PGS Kính cho hay.
Cũng theo Giám đốc BV này, vi khuẩn có trong bùn đất, người có vết thương chân tay dẫm phải nơi bùn đất có mầm bệnh thì có thể mắc bệnh. Hầu hết nông dân đều có kháng thể với bệnh này, chỉ ai miễn dịch yếu thì có nguy cơ mắc.
BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, khoảng 35% trẻ nhiễm bệnh có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai khiến nhiều người lầm tưởng là quai bị, 65% có các biểu hiện khác như viêm phổi, áp xe lách, thận… hoặc các vết mưng mủ ngoài da, đặc biệt là vùng đầu, mặt và cổ.
Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi cùng với nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp viêm cơ khớp hoặc viêm màng não.
Trong số các ca mắc bệnh whitmore, 90% bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi, một nửa có nguy cơ biến chứng sốc nhiễm khuẩn và tử vong. Có trường hợp tử vong sau vài ngày nhập viện nhưng cũng có trường hợp phải dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.
Là một người giành thời gian nhiều năm để làm nghiên cứu sinh về bệnh whitmore dưới sự hướng dẫn của GS Ivo Steinmetz, tại trường Đại học Y khoa Greifswald, CHLB Đức, TS Trịnh Thành Trung - Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, whitmore không phải là bệnh hiếm gặp tại Việt Nam như trước đây đã từng suy nghĩ. Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 ca nhiễm bệnh và khoảng 5.000 ca tử vong.
TS Thành Trung cho biết thêm, với việc kết hợp điều tra phân bố vi khuẩn ngoài môi trường, bản đồ dịch tễ học bệnh whitmore tại Việt Nam cho thấy, whitmore là loại bệnh truyền nhiễm phổ biến ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ ở Việt Nam.
TS Trung nhấn mạnh, nếu được xét nghiệm vi sinh sớm, phát hiện được đúng bệnh, thì vẫn có phác đồ kháng sinh để điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ, uống thuốc dự phòng trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng để đề phòng tái phát.
Để chủ động phòng bệnh whitmore, Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch bảo đảm vệ sinh.
Đối với những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.