Rối loạn chuyển hóa lipid máu còn gọi là mỡ máu cao là một trong ba “tam cao” chứng (cao huyết áp - cao mỡ máu - cao đường huyết), có thể trực tiếp gây nên một số bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, viêm tụy, đột quỵ não...
Nguồn gốc mỡ trong máu chủ yếu là từ thực phẩm, người bị rối loạn chuyển hóa lipid máu ngoài việc sử dụng thuốc còn cần phải có một chế độ ăn uống hợp lý kết hợp việc luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Trên thực tế, có nhiều loại thực phẩm khi ăn vào còn có tác dụng giảm lipid máu, đôi khi không cần sử dụng tới thuốc nếu bị rối loạn lipid máu nhẹ. Dưới đây là một số thực vật, hoa quả chúng ta nên dùng khi mỡ máu cao:
Hành tây: Không chỉ có tác dụng giảm cholesterol máu, cải thiện tình trạng xơ vữa động mạchn hành tây còn có tác dụng giảm độ nhớt của máu tương tự như aspirin. Người trưởng thành mỗi ngày dùng 60g hành tây có tác dụng dự phòng cholesterol máu tăng cao.
Đậu tương: Nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn 100g đậu tương mỗi ngày, cholesterol máu có thể giảm khoảng 20%, đặc biệt là giảm rất rõ nồng độ LDL- cholesterol. Hơn nữa, đậu tương còn là nguồn bổ sung protein rất tốt cho cơ thể và ít chất béo nên rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
Dưa leo: Có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi niệu. Dưa leo chứa rất nhiều chất xơ làm cải thiện quá trình tiêu hóa, tăng đào thải và giảm hấp thu cholesterol. Có thể làm giảm quá trình chuyển hóa từ đường thành chất béo và có tác dụng giảm béo.
Rong biển: Là thực phẩm rất có ích đối với sức khỏe, cũng là một vị thuốc chữa bệnh. Rong biển chứa nhiều iod và magie, có tác dụng trong việc ngăn ngừa hình thành mảng lắng đọng cholesterol thành mạch. Trong rong biển còn có thành phần laminaria polysaccharide có thể làm giảm cholesterol toàn phần và triglycerid.
Ớt: Có hàm lượng vitamin C cao nhất trong các loại thực vật, vitamin C có ích trong việc cải thiện vi tuần hoàn của cơ thể. Đồng thời, vitamin C còn có thể làm giảm lượng cholesterol máu, là một loại thực vật giảm mỡ máu tự nhiên.
Súp lơ (bông cải): Gồm súp lơ xanh và trắng, hai loại đều có thành phần dinh dưỡng cơ bản tương đồng. Súp lơ nhiệt lượng thấp, hàm lượng chất xơ rất cao, ngoài ra còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất và đặc biệt là flavonoid. Flavonoid là một chất làm sạch lòng mạch, có hiệu quả trong việc tiêu trừ cholesterol lắng đọng trên thành mạch, ngoài ra còn có thể ngăn chặn ngưng tập tiểu cầu, giảm thiểu các bệnh tim mạch phát sinh.
Mướp đắng: Rất giàu vitamin B1, vitamin C và nhiều loại khoáng chất. Mướp đắng có tác dụng trong việc giảm mỡ máu và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, mướp đắng còn có thể kích thích bài tiết insulin, có tác dụng trong việc giảm lượng đường trong máu.
Cần tây: Tính mát, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và nhiều chất xơ làm tăng cường nhu động ruột, có tác dụng thông lợi đại tiện, giúp loại trừ mỡ thừa khi tiêu hóa trong đường ruột. Những người thường xuyên ăn cần tây, hàm lượng cholesterol trong cơ thể giảm rõ rệt, đồng thời cũng có tác dụng giảm huyết áp.
Mầm đậu xanh: Đậu xanh là thực vật có tác dụng rất tốt trong việc giảm cholesterol máu, sau khi nảy mầm, hàm lượng vitamin C có thể tăng cao gấp 6-7 lần. Mầm đậu xanh tính ngọt mát, chứa vitamin C, chất xơ..., có lợi trong việc loại trừ chất thải trong cơ thể, nó có thể kết hợp với chất béo trong ruột để thải loại ra ngoài. Đồng thời cũng làm tăng sự chuyển hóa thành acid mật và bài trừ ra ngoài, từ đó làm giảm cholesterol máu, giảm sự lắng đọng cholesterol ở thành động mạch. Là một loại thực phẩm quý trong việc giảm cân và điều chỉnh mỡ máu.
Cà rốt: Chứa nhiều caroten và nhiều loại vitamin. Ngoài ra còn chứa 9 loại acid amin, hơn 10 loại enzym, nhiều loại khoáng chất và chất xơ. Các thành phần này rất tốt đối với người bị bệnh mạch vành. Trong cà rốt còn chứa quercetin, là một loại flavonoid, đã được chứng minh có tác dụng tăng cường lưu lượng máu động mạch vành, giảm mỡ máu, xúc tiến tổng hợp hormon tuyến thượng thận, từ đó có tác dụng hạ huyết áp.
Táo: Có tác dụng giảm mỡ máu do chứa nhiều pectin, là một loại chất xơ tan trong nước, pectin đã được chứng minh là làm giảm nồng độ cholesterol trong máu. Cơ chế xuất hiện là tăng độ nhớt trong đường ruột, dẫn đến giảm hấp thụ cholesterol từ mật hoặc thực phẩm. Nhưng trong táo cũng chứa nhiều đường, nên bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường không nên dùng quá nhiều.
Chuối: Có vị ngọt tính hàn, tác dụng chủ yếu là thanh lọc trường vị, trị táo bón, ngoài ra còn thanh nhiệt nhuận phế, giảm phiền khát, giải độc rượu... Cuống quả chuối có tác dụng giảm cholesterol.
Các loại nấm, nấm hương, linh chi, mộc nhĩ có tác dụng trong việc giảm cả cholesterol và triglycerid máu.