Hiệu quả công tác truyền thông tại cộng đồng

10:49, 29/11/2019

Nhằm thúc đẩy cải thiện cấp nước nông thôn, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên - Nam Trung Bộ trong giai đoạn 2016 2020. Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình là áp dụng và triển khai các hoạt động truyền thông, góp phần tăng khả năng tiếp cận với nước sạch của người dân trong quá trình phát triển số lượng đấu nối cấp nước và đảm bảo tính bền vững của việc tiếp cận dịch vụ cấp nước thông qua việc tăng tỷ lệ hộ gia đình đấu nối và sử dụng nước, thanh toán tiền nước và đóng góp xây dựng công trình. 

Là một trong 21 tỉnh trên cả nước tham gia thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (NSH&VSMTNT) Thái Nguyên có nhiệm vụ thực hiện hợp phần cấp nước cho cộng đồng dân cư thuộc Chương trình. Để đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm đã xác định việc chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông là một trong những khâu then chốt. Trước đây, các hoạt động truyền thông trong việc thay đổi nhận thức, hành vi cho người dân, nâng cao tỷ lệ đấu nối và mức sử dụng nước chưa đạt được hiệu quả cao như mong đợi. Nguyên nhân là do công tác truyền thông còn có những hạn chế nhất định như: Nội dung và phương pháp truyền thông chưa thúc đẩy sự thay đổi của ngươiời dân; truyền thông chưa đến được với đối tượng đích, thiếu nguồn lực và tài chính phục vụ cho truyền thông. 

Trao đổi với ông Lê Viết Quý, Trưởng phòng Truyền thông, Đánh giá Nước sạch và VSMT nông thôn, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh, chúng tôi được biết: Từ hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới và Trung tâm Quốc gia NS&VSMTNT, Trung tâm đã dựa trên tình hình thực tế của địa phương để có cách triển khai nhiệm vụ một cách linh hoạt và phù hợp. Trong đó, việc nắm bắt tâm lý của nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung, nhân dân tại các vùng dự định triển khai Dự án nói riêng là yếu tố rất quan trọng. Khi biết tâm tư nguyện vọng của người dân thì việc triển khai vô cùng thuận lợi. Hoạt động truyền thông được Trung tâm thực hiện song song với quá trình khảo sát, thi công vận hành khai thác công trình nên hiệu quả thu được là rất khả quan. 

Nhìn vào một số công trình cụ thể mới được triển khai thời gian qua đã phần nào thấy được điều ông Quý nói. Tại T.X Phổ Yên, công trình cấp nước xã Đông Cao, từ 500 hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch ban đầu nay đã tăng lên hơn 1.300 hộ; công trình cấp nước xã Vạn Phái, số hộ dân đăng ký sử dụng tăng từ 300 hộ lên hơn 400 hộ; công trình cấp nước xã Tiên Phong, số hộ dân đăng ký sử dụng tăng từ hơn 1000 hộ lên 1.700 hộ. Đối với huyện Phú Lương và Đại Từ, công trình cấp nước xã Cổ Lũng, số hộ dân đăng ký sử dụng tăng từ 350 hộ lên 519 hộ; công trình cấp nước liên xã Cù Vân - Hà Thượng - an khánh - Sơn Cẩm số hộ dân đăng ký sử dụng tăng từ 3.500 hộ lên 4.000 hộ… Những kết quả trên đã góp phần để Thái Nguyên được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu trong công tác truyền thông nhằm nâng cao tỷ lệ đấu nối, sử dụng nước, đóng góp xây dựng công trình và chi trả phí sử dụng nước.