Hiện nay, toàn tỉnh có 27 nghìn người cao tuổi (NCT) tham gia công tác xã hội như: Bí thư, trưởng xóm, trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội. Đó là chưa kể hàng nghìn NCT có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số trong tỉnh. Tuy tuổi cao nhưng NCT luôn phát huy tốt vai trò của mình, gương mẫu trong mọi phong trào, nhất là việc tuyên truyền, vận động con cháu trong gia đình, nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân số.
Một trong những NCT tiêu biểu trong mọi phong trào phải kể đến là bà Trần Thanh Khương, phường Ba Hàng (T.X Phổ Yên). Tuy đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng bà vẫn bảo ban con cháu tập trung phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đẩy mạnh hoạt động dịch vụ san nền và vận tải, mỗi năm, doanh thu của gia đình bà đạt khoảng 37 tỷ đồng. Làm ăn hiệu quả, bà không chỉ giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng mà còn có điều kiện đóp góp 3,5 tỷ đồng để làm từ thiện. Đặc biệt, bà cũng là một NCT rất có uy tín, được mọi người tin yêu. Bởi vậy, mỗi khi bà vận động lớp trẻ thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, mọi người đều làm theo.
Hay như bà Hứa Thiên Tám, 76 tuổi, NCT có uy tín ở xóm Tiến Thành, xã La Bằng (Đại Từ) cũng có không ít đóng góp trong việc tuyên truyền, vận động dòng họ, con cháu, người dân thực hiện tốt công tác dân số. Bà bảo: Trước đây nhiều hộ dân trong xóm chỉ sinh con một bề là gái cũng có tư tưởng muốn sinh thêm con trai để có người nối dõi tông đường. Vì thế, tôi cùng những vị cao niên khác trong xóm đã tích cực đến từng gia đình vận động họ thực hiện kế hoạch hóa gia đình để tập trung nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Hoặc như trường hợp của ông Trịnh Ngọc Linh, tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên). Nghỉ hưu được hơn 5 năm là từng ấy thời gian ông tham gia làm Trưởng Ban mặt trận, tổ phó của tổ dân phố. Là người quê gốc Y Yên (Nam Định), nơi có tư tưởng rất khắt khe về việc phải có con trai để nối dõi tông đường nhưng ông Linh rất tân tiến. Ông cho biết: Vợ chồng tôi sinh được hai người con gái. Với tôi, các con khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi và trưởng thành mới chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Do đó, tôi không đặt nặng vấn đề gia đình phải có đủ “nếp”, đủ “tẻ”. Với suy nghĩ ấy, ông Linh đã tích cực vận động những gia đình sinh con một bề trong tổ dân phố không sinh thêm con thứ ba trở lên; tích cực nuôi dậy các con khôn lớn, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế cho rằng những năm trở lại đây, công tác dân số nói chung và công tác chăm sóc NCT trên địa bàn tỉnh nói riêng đã được quan tâm. Hằng năm, có trên 22 nghìn NCT được khám sức khỏe định kỳ; gần 36 nghìn NCT có sổ theo dõi sức khỏe ban đầu; hơn 58,7 nghìn NCT có thẻ bảo hiểm y tế…
Dù vậy, thực tế cho thấy, tỉnh ta vẫn đang gặp không ít khó khăn như hệ thống an sinh xã hội cho NCT chưa phát triển, nhất là ở các khu vực nông thôn, nơi có tới hơn 70% dân số sinh sống. Người già hầu hết không có lương hưu đang cần sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng. Tâm lý ưa thích con trai, những biểu hiện lệch lạc trong bình đẳng giới gây ra hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Thái Nguyên. Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh (trẻ trai/100 trẻ gái) tạm tính là gần 109. Vì lẽ đó, để người cao tuổi thực sự vào cuộc, cùng tham gia vận động nhân dân, đặc biệt là con cháu trong gia đình thực hiện tốt chính sách dân số của Đảng, Nhà nước là điều cần thiết và đang được tỉnh tích cực huy động nhằm phát huy vai trò của người cao tuổi trong công tác dân số. Với uy tín của mình, các bậc cao niên sẽ là những tuyên truyền viên tích cực vận động con cháu thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không lựa chọn giới tính thai nhi. Những tuyên truyền viên là NCT, nhất là 36 NCT mới được biểu dương tại Hội nghị Gặp mặt NCT vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình do Sở Y tế tổ chức cuối tháng 10 vừa qua sẽ là tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo.