Nhờ đẩy mạnh truyền thông, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với nhận thức của người dân; việc triển khai được thực hiện đồng bộ đến các huyện, thành phố, thị xã nên 5 năm trở lại đây, công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình (DSKHHGĐ) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rất tích cực.
Theo thông tin từ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, từ đầu năm đến nay, những đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai đạt tỷ lệ cao. Theo đó, toàn tỉnh có trên 9.300 ca đặt vòng, tăng gần 1.400 ca so với cùng kỳ năm trước; tiêm thuốc tránh thai: 2930/2950 người, đạt 99,3% kế hoạch; uống thuốc tránh thai: Hơn 32.700/32.600 người, vượt 3,5% so với kế hoạch... Điều đáng nói là phần lớn phụ nữ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi sinh đẻ của tỉnh đã thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại. Thực tế này cho thấy nhận thức về công tác DS-KKHGĐ của người dân ở những vùng khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (nơi trước đây rất khó tiếp cận để tuyên truyền) đã được nâng lên. Chị Hứa Thị Thanh, người dân tộc Tày, xóm Chiềng, xã Phú Cường (Đại Từ) nói: Qua các buổi tuyên truyền, tôi đã hiểu rõ về những chủ trương, chính sách trong công tác dân số của Đảng và nhà nước, nhất là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, số trẻ nam sinh ra nhiều hơn trẻ nữ. Tôi đã có 2 con và luôn mong các cháu có cuộc sống vật chất đủ đầy, được ăn học đến nơi đến chốn, sau này trở thành những người công dân tốt. Vì thế tôi không có ý định sinh thêm nên đang áp dụng phương pháp tránh thai hiện đại.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, đạt được kết quả này, trước hết là do Chi cục DSKHHGĐ tỉnh đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh uỷ, chủ động tham mưu với uBnD tỉnh ban hành các văn bản để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, tích cực tổ chức phát động chiến dịch lồng ghép truyền thông với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CssKss) - KHHGĐ; giao chỉ tiêu công tác DS - KHHGĐ đến các huyện, thành phố, thị xã. Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức chiến dịch CSSKSSKHHGĐ tại 83/88 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng có mức sinh cao của tỉnh. Bên cạnh đó, Chi cục còn triển khai nhiều mô hình, đề án hiệu quả như: nâng cao chất lượng dân số; tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Cùng với đó, quan tâm tổ chức các lớp được tập huấn kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, vận động đối tượng thực hiện áp dụng các biện pháp tránh thai, sinh đẻ có kế hoạch cho trên 3.400 cộng tác viên DS - KHHGĐ trong tỉnh…
Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục DSKHHGĐ cho biết: Một những nguyên nhân nữa giúp cho công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đạt hiệu quả cao là do chúng tôi đã chỉ đạo các cấp cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyền thông bằng nhiều hình thức như trên hệ thống đài truyền thanh của cấp xã, xóm; treo pa nô, khẩu hiệu; phát các tờ gấp, tờ rơi có nội dung về chính sách dân số; giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên và mất cân bằng giới tính khi sinh; sàng lọc khiếm thính ở trẻ em; CSSKSS - KHHGĐ, hướng dẫn các biện pháp tránh thai an toàn...
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã phối hợp với các ngành chuyên môn, các tổ chức đoàn thể, đơn vị trường học tổ chức trên 360 buổi mít tinh nói chuyện chuyên đề thu hút được gần 10.000 người tham gia. Đặc biệt, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp tổ chức được hơn 390 buổi tư vấn về sức khỏe sinh sản cho gần 4.000 lượt người tham gia; cấp phát gần 3.800 tài liệu tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên, truyền thông về kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, xâm hại trẻ em, thay đổi về thể chất, tâm sinh lý ở tuổi dậy thì...
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân số trong tỉnh hình mới; đẩy mạnh việc truyền thông CSSKSS vị thành niên, thanh niên; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội, đặc biệt là ngành Y tế trong việc tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và cung cấp các dịch vụ CSSKSS đến mọi người dân; cung cấp đẩy đủ, kịp thời, thuận tiện các phương tiện tránh thai cho đối tượng sử dụng; tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác dân số tại cơ sở; triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số…