Theo thông tin từ Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh, từ đầu năm đến nay, có trên 16,5 nghìn trong tổng số hơn 20,6 nghìn bà mẹ mang thai được khám sàng lọc trước sinh, trong đó phát hiện 7 trường hợp dị tật thai nhi. Các trường hợp này đều được giới thiệu lên tuyến trên để chẩn đoán xác định và có tư vấn, hướng xử lý kịp thời. Thực tế này cho thấy, những năm trở lại đây, sàng lọc trước sinh đã được nhiều thai phụ trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm.
Có mặt tại phòng khám sản phụ của Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Trung ương Thái nguyên, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều phụ nữ mang thai đến đây khám sàng lọc trước sinh. chị Hồ Thị nga, 25 tuổi, ở xã Tân cương (T.P Thái nguyên) cho hay: Tôi mang thai được 14 tuần rồi. Tôi hy vọng con mình sinh ra sẽ khỏe mạnh, thông minh. Bởi vậy, trong thời gian thai kỳ, tôi rất chú trọng việc sàng lọc trước sinh.
Cùng chung mong muốn như chị nga, từ khi mang thai đến nay, tháng nào chị Lê Huyền Thanh, 31 tuổi, ở phường Thịnh Đán (T.P Thái nguyên) cũng đến đây khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ. chị cho biết: Tôi mang thai được 22 tuần rồi. Mỗi lần đến đây, các bác sĩ thực hiện sàng lọc trước sinh cho tôi thông qua các hoạt động quản lý thai nghén, siêu âm hình thái thai nhi.
Thường xuyên tiếp xúc với các sản phụ đến đây khám sàng lọc trước sinh, bác sĩ Trần Thị Hà, Bệnh viện Trung ương Thái nguyên nhận xét: Trước đây có một vài thai phụ do chủ quan, không quan tâm đến việc này, dẫn đến tình trạng thai 32-33 tuần đến siêu âm mới phát hiện thấy dị tật. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều bà mẹ đã quan tâm hơn đến việc sàng lọc trước sinh nên việc kiểm soát dị tật thai nhi được chủ động hơn.
Sàng lọc trước sinh là việc sử dụng các biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai để chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi, như: Hội chứng Down, hội chứng Edwards, dị tật ống thần kinh… nhằm phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh tật ở thai nhi. Đây là việc làm vô cùng cần thiết bởi có rất nhiều nguyên nhân gây ra dị tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Đó có thể là do sai lệch di truyền (bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn gien, rối loạn chuyển hóa); trong quá trình mang thai, bà mẹ tiếp xúc với môi trường độc hại (hóa chất, không khí, đất, nước); mẹ uống thuốc trong ba tháng đầu của thai kỳ; mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng trong khi mang thai như giang mai, rubella... Những đứa trẻ sinh ra không may bị dị tật hoặc thiểu năng trí tuệ không chỉ là sự thiệt thòi, nỗi đau cho trẻ mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Từ kết quả những tháng qua cho thấy, số phụ nữ mang thai đi khám sàng lọc trước sinh trên địa bàn tỉnh đã đạt 80%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 10%. Mặc dù vậy, số thai phụ chưa đi khám sàng lọc trước sinh vẫn còn gần 4.000 người. Do đó, để đạt kết quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, cùng với việc các cấp, ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền về sự cần thiết của việc khám sàng lọc trước sinh, rất cần sự chủ động, tích cực của các sản phụ. Bà Hồ Thị Thanh Thủy, chi cục trưởng, chi cục DSKHHGĐ tỉnh khuyến cáo: các bà mẹ khi mang thai nên đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện sàng lọc để thăm khám. Điều này có lợi cho bà mẹ và thai nhi khi sinh ra một đứa con khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, đối với việc sàng lọc trước sinh, bà mẹ mang thai dưới 14 tuần được siêu âm đo độ dày da gáy thai nhi, nếu da gáy dày bất thường thì chuyển bà mẹ lên tuyến trên, nơi có đủ trang thiết bị để kiểm tra người mẹ, xét nghiệm nhau thai, chọc ối để phát hiện những dị tật ở thai nhi. Sau đó, người mẹ sẽ được tiếp tục siêu âm từ tuần thứ 20 trở đi, vì lúc này có thể phát hiện dị tật ở thai nhi trực tiếp qua siêu âm. nếu thai nhi có dấu hiệu dị tật, bác sĩ sẽ xác định chính xác dị tật thuộc loại chữa được hay không rồi tư vấn cho gia đình, có thể sớm điều trị đối với những dị tật có thể can thiệp được. cách làm này không chỉ giúp các bà mẹ yên tâm hơn trong suốt quá trình mang thai mà còn góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi.