Cảnh giác với nguy cơ tai biến, đột quy

10:21, 15/12/2019

Vào mùa lạnh, nguy cơ tai biến, đột quỵ gia tăng, nhất là những người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol, người bị xơ vữa động mạch…

Cảnh báo đột quỵ ở người mắc bệnh mạn tính và người trẻ

Theo các chuyên gia tim mạch, tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) và nhồi máu cơ tim là hai căn bệnh có nguy cơ tử vong rất cao, bệnh liên quan đến sự hình thành các cục máu đông gây nên tắc nghẽn động mạch.

Trước đây, đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi. Nhưng  hiện nay, xuất hiện những bệnh nhân  đột quỵ còn rất trẻ, thậm chí cả những người được cho là rất khỏe như các vận động viên thể thao.  Ví dụ, đầu năm nay, người yêu thể thao phải chứng kiến một tai nạn đau lòng là vận động viên marathon mới 24 tuổi đã tử vong khi đang chạy trong một cuộc thi tại TP Hồ Chí Minh, hay một số vận động viên bóng rổ cũng bị đột quỵ và tử vong  khi đang thi đấu…

Theo PGS.TS. BS cao cấp Tạ Mạnh Cường - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, BV Bạch Mai , đột quỵ  do  thiếu máu não cục bộ (liên quan tới các cục máu đông trong  lòng mạch gây ra) và đột quỵ do xuất huyết  não (chảy máu ). Người trẻ bị đột quỵ thường là do dị dạng mạch máu não (đây là căn bệnh bẩm sinh), gây xuất huyết não.

Làm cách nào  để phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ?

Ở người trẻ tuổi, khi có dấu hiệu đau đầu (uống thuốc không hết), mắt nhìn mờ...  nên đi kiểm tra để chữa trị, tránh nguy cơ tai biến mạch máu não. Hoặc khi có cảm giác luôn hồi hộp mà không giải thích được nguyên nhân thì người bệnh nên đi kiểm tra rối loạn nhịp tim, hoặc các bất thường tim mạch.

Bên cạnh đó, những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tăng cholesterol, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, van tim, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường...  nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị đột quỵ.  Nếu cộng  thêm yếu tố thời tiết như  nóng lạnh bất thường,  hoặc ra vào đột ngột ở nơi nhiệt độ thay đổi dễ dẫn tới đột quỵ hơn.

Những quan niệm sai lầm trong phòng ngừa đột quỵ

Vào những ngày trời lạnh,  hoặc dịp lễ tết,  gặp nhau cuối năm, nhiều người thường rủ nhau đi uống rượu với  quan niệm  “uống một chút cho ấm bụng”.  Đã có nhiều trường hợp tai biến, đột quỵ nặng xảy ra, thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng của mình.  Quan niệm uống rượu giúp làm nóng cơ thể trong thời tiết giá lạnh có đúng không?

Theo PGS.TS Tạ  Mạnh Cường, đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm và phản khoa học. Các chuyên gia y tế  khẳng định,  khi uống rượu trong thời tiết giá lạnh  mà còn mặc quần áo không đủ ấm cực kỳ nguy hiểm. Bởi  khi uống rượu, các mạch máu giãn ra, gặp trời lạnh, mạch đột ngột co lại gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến, đột quỵ và nguy cơ tử vong rất cao. Nếu người dân mua phải rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc còn  có thể gây ngộ độc rượu, xuất huyết não do rượu rất nặng mà hầu như không cứu được.

PGS Cường nhấn mạnh:  “Không nên uống rượu, nhất  là trong thời tiết giá lạnh.  Không có chuyện uống rượu giúp  cho ấm cơ thể. Sẽ rất nguy hiểm  nếu uống rượu mà gặp  lạnh  thì không những đột quỵ mà còn có thể nhồi máu cơ tim,  có thể dẫn tới tử vong.”

Theo các chuyên gia tim mạch, các cơn tai biến hay đột quỵ càng dễ xảy ra hơn  ở những người  già, người bị suy nhược cơ thể, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, hay mắc các bệnh tim mạch,...  lại  uống rượu .

Hiện nay nhiều người còn có quan niệm là uống  thuốc  an cung để phòng đột quỵ, hoặc tích trữ an cung phòng khi nhà có người bị  đột quỵ.  Phó viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam khẳng định, trong phác đồ điều trị trên thế giới không có việc sử dụng thuốc an cung. “Chúng tôi cũng không khuyến khích sử dụng”.  Việc dùng và tích trữ thuốc này là do người dân truyền tai hoặc theo kinh nghiệm của người khác.

Được biết an cung là thuốc chỉ có thể sử dụng trong trường hợp nhồi máu não, còn nếu bệnh nhân bị xuất huyết não, việc sử dụng an cung có thể  gây chảy máu ồ ạt, nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh. Người dân khi chưa xác định được chính xác người bệnh bị đột quỵ dạng nào không nên tùy tiện dùng thuốc.

Phòng tránh tai biến, đột quỵ thế nào?

Với người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, không có cách nào khác là kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây tai biến, đột quỵ não. Người tăng huyết áp cần phải theo dõi và điều trị huyết áp theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân tiểu đường cần kiểm soát đường huyết tránh các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, người bệnh có rối loạn mỡ máu cần được theo dõi và điều trị.

Khi trời lạnh đột ngột, tốt nhất những người bệnh, người có sức khỏe yếu hạn chế ra ngoài, nếu bắt buộc phải ra ngoài đường, tiếp xúc với trời lạnh, tốt nhất nên mặc đủ ấm.

Về chế độ dinh dưỡng phòng tránh đột quỵ, người bệnh nên ăn nhạt, tuân thủ chế độ dinh dưỡng của bác si  khuyến cáo với căn bệnh của mình, hạn chế đồ ăn nhiều mỡ, phủ tạng động vật, cần bổ sung thêm rau xanh, quả chín, uống đủ nước.

Khi gặp 4 dấu hiệu dưới đây (FAST) cảnh báo bạn có thể bị đột quỵ não, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp sớm, tránh các di chứng

-Liệt mặt (face): bệnh nhân có biểu hiện miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi - má mờ.

-Yếu, liệt tay (arm) hoặc chân. Có thể kiểm tra bằng cách cho bệnh nhân giơ cả 2 tay thì 1 tay yếu hơn không nâng được.

-Rối loạn ngôn ngữ (speech): bệnh nhân bỗng nói khó, nói không rõ hoặc không hiểu lời nói.

-Thời điểm phát bệnh (time): khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.