Lâu nay, mỗi khi thấy có hiện tượng ho, cảm cúm, đau bụng, thậm chí là mẩn ngứa… nhiều người dân đã tìm đến các hiệu thuốc, nói triệu chứng để được người bán “tư vấn” các loại thuốc mua về uống… Thực tế này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành chức năng mà còn dễ xảy ra tình trạng dị ứng thuốc, bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời, diễn tiến bệnh ngày càng chuyển biến xấu…
Trong vai người đi mua thuốc, tôi đến một hiệu kinh doanh thuốc trên đường Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên), đối diện Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Khi tôi đưa ra đơn thuốc chữa bệnh phụ khoa đã được bác sĩ kê cách đây… 2 năm, nhân viên bán hàng không cần gì thêm, ngay lập tức tìm các loại thuốc trong đơn đưa cho tôi rồi tính tiền.
Khi tôi đang mua thuốc, một người mẹ trẻ cũng đến tìm mua thuốc điều trị bệnh cho con. Vừa nghe chị kể các triệu chứng như: Bé có hiện tượng sốt, nôn sau khi bú, nhân viên bán hàng đã nhanh tay lấy thuốc kháng sinh (amoxicillin) - loại gói bột dành cho trẻ, thuốc kháng viêm (alpha choay)… đưa cho người mẹ trẻ.
Thực tế thì tình trạng không đến các cơ sở khám bệnh mà ra hiệu thuốc kể triệu chứng để được dược sĩ tư vấn, mua thuốc về uống, tự điều trị bệnh như vừa nêu trên là tình trạng phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, tổ dân phố số 14, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cho hay: Chỉ ốm xoàng như ho, viêm họng, đau đầu mà đi bệnh viện khám thì rất mất thời gian. Do đó, tôi thường ra hiệu thuốc, kể triệu chứng, họ sẽ kê thuốc điều trị rồi hướng dẫn liều dùng, cách uống thuốc…
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hà Đức Trịnh, Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), việc người dân tự đến hiệu thuốc, nói triệu chứng bệnh rồi mua thuốc, hoặc mua thuốc điều trị theo đơn cũ rất nguy hiểm. Bác sĩ Trịnh nói: Đơn cử, nếu đi khám bác sĩ, những bệnh nhân bị đau dạ dày, khi mắc bệnh viêm khớp sẽ được kê loại thuốc điều trị không ảnh hưởng đến dạ dày. Ngoài ra, những bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… khi mắc một loại bệnh nào đó sẽ được bác sĩ cân nhắc, kê thuốc điều trị phù hợp để không làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị các loại bệnh mãn tính… Do đó, nếu cứ bán thuốc mà không nắm được tiền sử của bệnh nhân sẽ dẫn đến tình trạng chữa được bệnh này nhưng lại làm phát sinh bệnh khác…
Không chỉ vậy, việc tự ý mua thuốc hoặc để các dược sĩ của các hiệu thuốc “bắt bệnh” còn khiến cho việc chẩn đoán không chính xác, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Anh Lê Hoàng Thịnh, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Do chủ quan, thấy con trai (10 tháng tuổi) bị ho, sốt, tôi không đưa cháu đi khám bác sĩ mà ra hiệu thuốc nhờ họ tư vấn và mua thuốc. Uống thuốc kháng sinh kết hợp thuốc kháng viêm hai ngày mà không thấy bệnh của con thuyên giảm, vợ chồng tôi đưa cháu đi khám thì bác sĩ kết luận cháu bị sốt vi rút. Về nhà, theo hướng dẫn của bác sĩ, tôi ngừng cho cháu uống kháng sinh, chỉ cho uống thuốc hạ sốt khi con sốt cao (từ 38,5 độ C trở lên), cho uống nhiều nước, nhất là nước quả ép, 3 ngày tiếp theo cháu đã khỏi bệnh…
Tình trạng bán thuốc không theo đơn của bác sĩ cũng như sử dụng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh tùy tiện cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng kháng thuốc trên địa bàn tỉnh hiện nay khá phổ biến, gây khó khăn cho việc điều trị.
Kháng sinh là những chất kháng khuẩn được tạo ra bởi các chủng vi sinh vật, có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác. Do vậy, để đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, cần nắm vững những kiến thức liên quan đến kháng sinh, vi khuẩn gây bệnh và người bệnh. Trong trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm, việc uống thuốc kháng sinh không giúp khỏi bệnh mà còn làm bệnh nặng thêm, thậm chí còn làm cho cơ thể sản sinh ra các vi khuẩn kháng sinh (nhờn thuốc), về sau khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh sẽ không còn tác dụng, người bệnh dễ có nguy cơ bệnh nặng hơn.
Một trong những cảnh báo nữa là tự dùng thuốc sẽ làm lu mờ triệu chứng của bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán, chỉ định điều trị và theo dõi đáp ứng của người bệnh. Dược sĩ Đàm Thùy Dương, nguyên Trưởng Khoa Sinh hóa, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khuyến cáo: Mỗi loại thuốc chỉ có tác dụng nhất định đối với loại bệnh nào đó. Bởi thế, khi có triệu chứng của bệnh, bắt buộc mọi người phải có sự thăm khám, kê đơn của bác sĩ. Nếu chỉ dựa vào triệu trứng tương tự như những lần trước mà chúng ta mua thuốc theo đơn cũ để sử dụng thì có thể sai thuốc. Tình trạng này không những khiến cho bệnh không khỏi mà chúng ta còn có thể mắc bệnh khác do thuốc gây ra.
Nhằm tránh những rủi ro trong việc tùy tiện sử dụng thuốc, người dân không nên tự ý mua và dùng thuốc, hoặc sử dụng các toa thuốc của những người có triệu chứng tương tự. Khi có bệnh, cần phải đi khám và điều trị bệnh theo toa thuốc do bác sĩ kê đơn.