Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ) lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam năm 1987, được ngành Y tế xác định là chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật với chi phí thấp nhưng đem lại nhiều cơ hội hòa nhập cho người khuyết tật (NKT). Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến nay, Thái Nguyên có khoảng 25.000 NKT. Trong đó, có gần 10.000 người khuyết tật về vận động, trên 5.000 người dị tật thần kinh, tâm thần; 5.000 người dị tật về nghe và nói; 3.500 người mắc tật về mắt, còn lại là người đa tàn tật. NKT nếu không được phục hồi chức năng và có các can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, khả năng tham gia các hoạt động xã hội...
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Trọng Vũ, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh: Ngay sau khi được thực hiện thí điểm tại Việt Nam, PHCNDVCĐ nhanh chóng được mở rộng và triển khai tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đây được xem là chiến lược tốt để giải quyết vấn đề khuyết tật, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và truyền thống văn hóa đặc thù của nước ta. Tuy nhiên, ở Thái Nguyên, hình thức thực hiện PHCNDVCĐ của các huyện, thành, thị dù được đánh giá là đa dạng nhưng lại thiếu tính định hướng và hệ thống chung nên chưa huy động được sự đóng góp tổng lực của toàn cộng đồng. Bởi vậy, việc Sở Y tế ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình PHCNDVCĐ trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cần thiết, từng bước góp phần tháo gỡ những nút thắt trong công tác chăm sóc NKT được nhắc đến ở trên.
Chương trình được đề ra với mục tiêu củng cố, phát triển mạng lưới phục hồi chức năng, tăng cường phòng ngừa khuyết tật, bồi dưỡng kiến thức phát hiện sớm khuyến tật; triển khai hệ thống thông tin quản lý sức khỏe, phục hồi chức năng NKT tại các cơ sở y tế tuyến huyện, thành, thị trong tỉnh, chuẩn bị xây dựng cơ sở dữ liệu về NKT toàn quốc và hoạt động PHCNDVCĐ. Bác sĩ CKI Lộc Thị Diệu Linh, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, thực hiện chỉ đạo tuyến cho biết: Mục tiêu cụ thể của Chương trình là đào tạo kiến thức cơ bản cho nhân viên y tế tuyến huyện, thành, thị và cán bộ trạm y tế xã. Trong đó, chú trọng kiến thức khám, phát hiện sớm khuyết tật. Đây sẽ là lời giải cho bài toán thiếu nhân viên y tế am hiểu về NKT đang tồn tại bấy lâu nay tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã. Khi công tác phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm trẻ khuyết tật được thực hiện có hiệu quả sẽ cải thiện cuộc sống của NKT về mọi mặt.
Tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu, đến năm 2020: 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa khuyết tật, về phục hồi chức năng và PHCNDVCĐ; các huyện, thành phố, thị xã triển khai và duy trì chương trình PHCNDVCĐ, phấn đấu có 50% số xã, phường, thị trấn duy trì công tác PHCNDVCĐ. Thái Nguyên cũng đề ra mục tiêu: 80% số trẻ em sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 60% số trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi được sàng lọc phát hiện và can thiệp sớm để ngăn ngừa và điều trị phục hồi khuyết tật, cải thiện chức năng, tăng cường năng lực để có thể tham gia học tập và hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, sẽ có 80% số NKT có nhu cầu được tiếp cận với các dịch vụ PHCNDVCĐ…