Phòng, tránh bệnh viêm đường hô hấp thời điểm giao mùa

08:42, 04/12/2019

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể khó thích ứng kịp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp hoạt động mạnh. Bởi vậy, thời điểm này nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã mắc các bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già.  

Có mặt tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) vào một ngày đầu tháng 12, chúng tôi thấy có khá nhiều bệnh nhân là người già  và trẻ em đến khám và điều trị bệnh viên đường hô hấp. Chị Lê Huyền Trang, tổ 32, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho hay: Hai ngày nay, con gái tôi (3 tuổi) có hiện tượng ho, sốt cao. Tôi đưa cháu tới đây khám bệnh, được bác sĩ chẩn đoán là viêm họng cấp và đã kê đơn thuốc để cháu được điều trị ngoại trú. 

Trường hợp của con gái chị Trang chỉ là 1 trong rất nhiều bệnh nhi đã đến đây khám, điều trị bệnh. Thầy thuốc ưu tú Khổng Thị Ngọc Mai, người trực tiếp thăm khám và kê đơn thuốc cho các bệnh nhi nói: Những ngày gần đây, số bệnh nhi đưa đến đây khám, điều trị bệnh viêm đường hô hấp tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày tôi khám bệnh, kê đơn thuốc cho trên 20 bệnh nhi.

Ngoài ra, tại phòng khám tai, mũi, họng của Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, trong tuần qua, mỗi ngày cũng tiếp nhận 20 đến 30 bệnh nhân bị viêm nhiễm đường hô hấp, tăng gấp đôi so với trước. Đây chỉ là con số thống kê được ở một cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Trên thực tế, thời điểm này, còn có nhiều người khi mắc bệnh viêm đường hô hấp đã tìm đến các phòng khám tư nhân hoặc tự mua thuốc về điều trị….

Bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu cho hay: Thời điểm giao mùa, đặc biệt khi chuyển mùa từ Thu sang Đông, nhiễm trùng đường hô hấp là loại bệnh người dân rất dễ mắc phải, nhất là người già và trẻ nhỏ. Các nhiễm trùng xảy ra ở phổi, ngực, xoang, mũi và cổ họng. Ở những trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng mãn tính, bệnh xảy ra sẽ lặp đi lặp lại mỗi khi giao mùa. 

Theo lý giải của bác sĩ Nhung nguyên nhân khiến cho các bệnh về đường hô hấp gia tăng khi trời chuyển lạnh là do thay đổi khí hậu khiến nhiệt độ thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa trong một ngày. Khi sự biến động nhiệt độ đột ngột sẽ làm hệ miễn dịch bị suy yếu. Bên cạnh đó, các virus gây bệnh cảm lạnh dễ dàng phát triển và lan truyền hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Đường hô hấp là nơi mà nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập khi chúng ta hít thở nên các triệu chứng như ho và ngứa họng rất phổ biến khi thời tiết thay đổi. Thêm vào đó, đây là khoảng thời gian siêu vi gây bệnh đường hô hấp, ví dụ như virus cúm phát triển dễ dàng hơn vào thời tiết lạnh so với mùa nóng. Hơn nữa, mùa lạnh, không khí dễ bị tù túng, kém lưu thông do mọi người có khuynh hướng ít di chuyển ra ngoài đường mà ở trong nhà nhiều hơn, đóng các cửa để tránh không khí lạnh xâm nhập. Đây cũng là yếu tố thuận lợi làm các tác nhân vi sinh vật nếu tồn tại trong không khí có khả năng sinh sôi, nảy nở nhiều hơn. 

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết lúc giao mùa, để phòng, tránh bệnh viêm đường hô hấp, các bác sĩ khuyến cáo: Mọi người cần giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân. Tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch. Tránh quạt máy, máy lạnh, tránh thức khuya; ăn uống, tập thể dục điều độ. Vệ sinh họng, miệng như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy; không nên hút thuốc lá, tránh uống nước lạnh…

Hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh ta vẫn có thói quen tự ý mua thuốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh đường hô hấp. Thậm chí, nhiều người sử dụng đơn thuốc cũ dù không có chỉ định của bác sĩ. Điều này dẫn đến tình trạng tăng khả năng vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh trong cộng đồng, khiến những người không may mắc bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều trị. Do đó, khi có các triệu chứng của bệnh, người dân không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà phải đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc.

Trong quá trình điều trị, các bệnh nhân nên tăng cường uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý để nhanh chóng khỏi bệnh.