Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV thì công tác phòng bệnh để tránh lây lan trong cộng đồng được chú trọng hơn cả. Bên cạnh việc sử dụng khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay sẽ nâng cao đáng kể khả năng phòng bệnh trong thời điểm này. Vậy nên rửa tay bằng xà phòng, xà phòng diệt khuẩn, hay dung dịch rửa tay khô sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất?
Tại sao cần rửa tay?
Bàn tay là nơi trực tiếp và thường xuyên tiếp xúc nhiều với dịch tiết cơ thể và môi trường chứa mầm bệnh. Chỉ cần chạm vào một người, hoặc bề mặt một vật nào đó, tay chúng ta đã có nguy cơ tích tụ vi trùng.
nCoV lây truyền qua đường hô hấp nhờ những giọt bắn lớn khi một người nhiễm virus ho hoặc hắt hơi. Một số trường hợp, virus có thể lan truyền khi tay một người tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm bẩn, sau đó tay tiếp xúc với miệng hoặc mũi.
Vì vậy, đối với các bệnh lây qua đường hô hấp, Tổ chức Y tế Thế giới khuyên dùng khẩu trang và nhấn mạnh việc rửa tay đúng cách trước khi cầm nắm thức ăn hay dụng cụ đưa vào mũi, miệng. Hãy rửa tay, đặc biệt là khi ho, hắt hơi, trước khi: tháo/lắp kính áp tròng, chăm sóc vết thương hoặc người đang bị bệnh, chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã cho trẻ em, chơi với chó/mèo, cho động vật ăn, hoặc xử lý rác...
Nên dùng loại nước rửa tay nào?
Cách tốt nhất để phòng ngừa nCoV là rửa tay bằng xà phòng với nước trong ít nhất 30 giây. Xà phòng với nước làm giảm hầu hết các loại vi khuẩn trên tay của bạn. Rửa tay với xà phòng và nước theo quy trình rửa tay 6 bước của Bộ Y tế sẽ làm sạch và loại bỏ mầm bệnh trên tay. Xà phòng có tính lưỡng cực, giúp tách rời các chất bẩn ra khỏi da và sau đó nhờ dòng nước rửa trôi đi. Do đó, xà phòng có tính loại khuẩn chứ không phải diệt khuẩn.
Nếu không có xà phòng và nước hoặc không thể rửa tay liên tục (như các nhân viên y tế tham gia khám chữa bệnh; học sinh, sinh viên ngồi trong lớp...), thì dung dịch rửa tay sát khuẩn có ít nhất 60% cồn là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, cần thực hiện theo 2 bước: Cho nước rửa tay vào lòng bàn tay để ướt hoàn toàn; chà xát hai bàn tay trong khoảng 30 giây, đảm bảo tất cả các vị trí trên da tay đều tiếp xúc chất khử trùng, và để khô tự nhiên thay vì lau khô. Virus cúm sẽ bị bất hoạt sau khoảng 3 - 4 phút dùng dung dịch này. Do đó, cần chú ý, trong vòng 3 - 4 phút sau khi rửa tay nhanh, virus trên tay chưa kịp bị tiêu diệt vẫn có thể lây sang người khác.
Dung dịch rửa tay khô chứa cồn có thể dùng được cho trẻ em, an toàn với lượng nhỏ để sát khuẩn. Không dùng loại màu mè hay có mùi thơm gây hấp dẫn trẻ em.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngùa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các dung dịch sát khuẩn với 60 - 75% cồn tốt hơn nhiều so với những loại có ít cồn hoặc không có cồn. Cơ chế tác dụng của cồn là gây biến tính protein của vi sinh vật, nó có tác dụng diệt khuẩn, nấm và siêu vi. Cồn nồng độ cao hơn cũng làm biến tính protein vi khuẩn nhưng do độ cồn cao nên vô tình đã tạo ra lớp bọc bên ngoài, bảo vệ phần bên trong của vi sinh vật khỏi tác dụng của cồn. Mặt khác, cồn cao độ hơn dễ bay hơi hơn nên cũng giảm phần nào hiệu quả sát trùng.
Xà phòng diệt khuẩn là xà phòng được thêm vào các chất kháng vi khuẩn (triclosan), làm ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn trên da tay. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy xà phòng diệt khuẩn làm giảm nhiễm trùng hơn xà phòng thường. Khi dùng xà phòng kháng khuẩn, đôi khi còn gây ra một số hệ lụy sau này: Tạo ra nguy cơ ô nhiễm độc hại tới môi trường và tạo ra các chủng vi sinh vật kháng thuốc (các chất kháng khuẩn tiêu diệt các vi sinh vật có lợi và tăng chọn lọc đề kháng với các vi sinh vật có hại).
Do đó, để phòng tránh hiệu quả sự lây lan của nCoV, bên cạnh đeo khẩu trang đúng cách, hãy rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước trước khi ăn bất cứ thứ gì, đặc biệt là khi ho và hắt hơi. Nếu không có xà phòng và nước, thì các loại dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn là một lựa chọn tốt.