Mùa Xuân năm trước, Thái Nguyên tuy không ghi nhận những ca bệnh đặc biệt nguy hiểm nhưng vẫn xuất hiện các ca mắc bệnh truyền nhiễm như sởi/rubella (121 trường hợp), ho gà (9 trường hợp), viêm màng não do não mô cầu (1 trường hợp)… Thực tế này cho thấy, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa Xuân là rất cần thiết.
Theo bác sĩ Hoàng Anh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, điều kiện khí hậu mùa Xuân hiện rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như: Sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cúm A (H7N9), A (H5N1), tiêu chảy do vi rút rota, tay chân miệng...
Trong thời điểm hiện nay, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến bất thường, có các đợt rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sức khỏe của nhân dân đặc biệt là người già và trẻ em. theo dự báo của trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, riêng trong tháng Hai có ít nhất từ 4 đến 5 đợt không khí lạnh tăng cường. Bởi vậy, trong thời gian tới, tại các tỉnh miền Bắc, nhiệt độ tiếp tục giảm, thời tiết rét đậm vẫn còn tiếp diễn. Bà Hà Thị Thanh, tổ 32, phường Quang trung (t.P thái Nguyên) cho hay: Do tuổi đã cao nên tôi rất lo lắng nếu mắc bệnh cảm, cúm... Vì thế, trong những ngày vừa qua, tôi mặc thật ấm, nhất là giữ ấm cổ và đôi bàn chân; không đi ra khỏi nhà vào những ngày trời lạnh; tập thể dục trong nhà thay vì đi ra các khu vực công cộng...
Có thể thấy, rất nhiều người dân trong tỉnh đã chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân. tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Ngoài việc giữ ấm bản thân, thì mọi người nên tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm, như: Cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu...; hạn chế đến những chỗ đông người; ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; ăn cân đối các nhóm dưỡng chất, như: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, uống nước ấm; tránh dùng những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đồng thời, đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày; đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh nơi ở, giữ ấm nhà cửa. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cho cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.
Đồng thời, mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể: Tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắcxin phòng bệnh); khi làm việc ngoài trời, nhất là vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu…
Ngoài ra, ngành Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch yêu cầu các đơn vị thực hiện. Cụ thể, yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các trung tâm y tế huyện/thành/thị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1106/CĐ-TTg ngày 27/7/2017 về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Cùng với đó là triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; kịp thời báo cáo đề xuất với sở Y tế chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, phù hợp với diễn biến dịch tễ tại địa phương.
Đối với các dịch bệnh có vắc xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà..., ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng. Bên cạnh việc tiêm chủng thường xuyên cần tổ chức ngay các chiến dịch tiêm phòng sởi, rubella, ho gà... cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường. Đặc biệt, tham mưu triển khai các biện pháp để phòng các bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như bệnh MERS-CoV, cúm A(H7N9), cúm A(H5N6) và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh và triển khai các hoạt động phòng, chống, ngăn ngừa bệnh dịch xâm nhập, lây lan trong cộng đồng.
Riêng với các cơ sở khám, chữa bệnh, ngành Y tế yêu cầu các đơn vị tổ chức tốt công tác phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm để tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh…