Những ngày qua, ở miền Bắc, trong đó có Thái Nguyên đã trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhất trong vòng 27 năm qua. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, khoảng cuối tháng 6 và trong tháng 7, các đợt nắng nóng sẽ khắc nghiệt hơn khi có thời điểm, nhiệt độ trong ngày có thể lên đến trên 40 độ C, cao hơn từ 2-3 độ C so với những ngày vừa qua. Với diễn biến thời tiết phức tạp như vậy, việc người dân quan tâm chăm sóc sức khỏe những ngày nắng nóng là rất cần thiết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày đầu tháng 6, thời tiết nắng nóng, nhiều người dân trong tỉnh thường xuyên uống nước lạnh, nằm ngủ, làm việc lâu trong phòng điều hòa với mức nhiệt độ thấp… nên dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Đây chính là lý do khiến cho số người đến khám, điều trị các chứng bệnh như viêm họng, viêm phế quản, phổi… ở các bệnh viện như Trung ương Thái Nguyên, A Thái Nguyên, Lao và Bệnh phối Thái Nguyên; các bệnh viện đa khoa tuyến huyện: Phú Bình, Phú Lương, Đại Từ… tăng từ 15 đến 20% so với tháng trước. Bác sĩ Lê Thu Hà, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên cho hay: Những ngày hè nắng nóng và oi bức, sức đề kháng của cơ thể con người trở nên kém hơn. Trong đó, các trường hợp dễ nhiễm bệnh nhất là trẻ em, người già, người bị mắc chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính....
Không chỉ mắc các chứng bệnh về hô hấp, những ngày nắng nóng, phụ nữ có thai; người tiếp xúc quá lâu, làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc do thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng có thể gặp phải một số vấn đề về sức khỏe như say nắng, nóng, đột quỵ. Đặc biệt là đối với vận động viên thể thao luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu, người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò luyện gang thép, thợ xây dựng… Chị Ma Thị Hoa, tổ 3, xã Phú Xuyên (Đại Từ) cho hay: Mấy hôm trước trời nắng nóng, khi gặt lúa ngoài đồng, tôi thấy rất mệt mỏi, có lúc còn xuất hiện tình trạng tăng nhịp tim, nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực.
Theo bác sĩ Hà Đức Trịnh, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), những trường hợp tăng nhịp tim, nhịp thở… là biểu hiện bị say nóng, say nắng thể nhẹ. Những trường hợp đột quỵ, đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, buồn nôn, nôn, yếu, co giật hôn mê, trụy tim mạch còn có thể dẫn đến tử vong. Khoảng 2 tuần qua, Khoa đã tiếp nhận và cấp cứu cho hàng chục bệnh nhân bị đột quy, trong đó hầu hết là những người có tiền sử các chứng bệnh mạn tính như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, hen phế quản…
Bác sĩ Trịnh khuyến cáo: Để tránh gặp phải những biến chứng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, khi phát hiện các trường hợp say nắng, nóng, đột quỵ do nắng nóng…, cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến nơi mát, thoáng gió, nới lỏng quần áo, lau mát cơ thể cho người bệnh bằng khăn mát, đặc biệt là vùng nách, bẹn, hai bên cổ. Không để nhiều người vây quanh người bệnh, qua 10 hoặc 15 phút các biểu hiện sẽ giảm dần, sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất…
Từ thực tế cho thấy, trong mùa nắng nóng, nếu chúng ta không quan tâm chăm sóc sức khỏe thì nguy cơ mắc các chứng bệnh viêm đường hô hấp, tai biến mạch máu não, trụy tim mạch… có thể dẫn đến tử vong là rất lớn. Bởi vậy, để bảo vệ sức khỏe, mọi người không nên lạm dụng nước đá, nước lạnh, ở quá lâu trong phòng có điều hòa nhiệt độ thấp. Vào những ngày nắng nóng (nhiệt độ ngoài trời từ 37 độ C trở lên), nên hạn chế đi ra ngoài, nhất là trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ. Về trang phục, nên mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ chuyên ngành về dinh dưỡng Nguyễn Minh Tuấn, Phó hiệu Trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên nói: Chúng ta tăng cường ăn các loại rau xanh, hoa quả; uống tối thiểu từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày; thường xuyên rèn luyện thân thể, nâng cao sức đề kháng để chống chịu với điều kiện thời tiết nắng nóng.