Đầu tư cơ sở vật chất cho y tế vùng khó

11:03, 10/06/2020

​Để người dân miền núi, vùng cao được tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng, 5 năm trở lại đây, ngành Y tế Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là ở địa bàn các huyện còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Đồng Hỷ, Phú Lương, Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ…

Năm 2019, khi công trình nhà hai tầng của Trạm Y tế xã Sơn Phú (Định Hóa) hoàn thành và đưa vào sử dụng, cán bộ y, bác sĩ và bà con nơi đây vô cùng phấn khởi. Theo ông Ma Đình Khâm, một người dân trong xã thì khi cơ sở vật chất được đầu tư, điều kiện làm việc của cán bộ y tế tốt hơn, chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân cũng được nâng lên.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, đây chỉ là một trong 10 trạm y tế  ở các xã vùng cao của tỉnh được đầu tư xây dựng trong năm 2019, với tổng kinh phí là 35 tỷ đồng. Trong đó có 8 trạm y tế ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của huyện Võ Nhai và 2 trạm y tế (Sơn Phú, Phú Tiến) nằm trên địa bàn huyện Định Hóa. Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay: Trong năm nay, tỉnh sẽ tiếp tục bố trí kinh phí đầu tư xây dựng công trình nhà làm việc cho 5 trạm y tế nữa, trong đó có 2 trạm y tế nằm ở địa bàn miền núi là Quân Chu, thị trấn Quân Chu. Hiện nay, các công trình này (đều là dãy nhà 2 tầng) đã được khởi công, phấn đấu hoàn thành trong tháng 12 tới.

Các bác sĩ khám, chữa bệnh cấp thuốc miễn phí cho người dân xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ).

Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh còn đầu tư cơ sở vật chất như xây mới, nâng cấp nhà làm việc của các khoa, phòng; chỉnh trang khuôn viên, tạo môi trường xanh-sạch-đẹp… cho bệnh viện tuyến huyện ở các địa bàn miền núi, vùng cao của tỉnh. Đến nay, đã có 03 bệnh viện huyện được nâng hạng 2 là Định Hóa, Đại Từ, Phú Bình. Các bệnh viện này đã thực hiện được nhiều kỹ thuật tương đương tuyến tỉnh, tạo điều kiện cho người dân được khám, chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương, giảm chi phí cho người bệnh và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất (nhà làm việc, các phòng chức năng phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh…), tỉnh còn quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế tuyến huyện, xã ở các địa bàn vùng cao, còn nhiều khó khăn. Hiện, toàn tỉnh có 178 trạm y tế thì có trên 100 trạm được có máy siêu âm; hơn 20 trạm có máy điện tim; 100% trạm được trang bị bàn khám sản khoa; nhiều đơn vị được trang bị ghế khám răng... Đặc biệt, ngành Y tế còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, trong đó có cơ sở y tế ở các địa bàn miền núi, vùng cao của tỉnh.

Thực tế cho thấy, trước đây, khi ốm đau, nhiều người dân ở các huyện miền núi, vùng cao như Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương… không đến bệnh viện huyện mà đi thẳng lên bệnh viện tỉnh hoặc trung ương khám, chữa bệnh khiến cho bệnh viện tuyến trên luôn ở trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, từ khi tỉnh đầu xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng như nhà khám đa khoa, nhà hồi sức - mổ, nhà khoa sản - nhi, các khối nhà kỹ thuật, nhà khoa lây - lao; công trình xử lý chất thải y tế… ở bệnh viện đa khoa nằm trên địa bàn các huyện miền núi, vùng cao; mua sắm trang thiết bị phù hợp với quy mô của từng bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân ở vùng sâu, xa tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng, bà con đã không còn “sính” bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương như trước nữa.

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế nhận định: Cơ sở vật chất được quan tâm xây dựng và nâng cấp, trang thiết bị y tế hiện đại được đầu tư đã hỗ trợ tích cực cho công tác chuyên môn, đáp ứng ngày càng tốt hơn việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ở những địa bàn vùng cao, còn nhiều gian khó của tỉnh.

Trong năm 2020, ngành Y tế sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất nhằm hoàn thiện mạng lưới y tế, nhất là mạng lưới y tế ở vùng cao, bảo đảm điều kiện thực hiện các kỹ thuật chuyên môn ngày càng cao tại các cơ sở y tế.  Mặc dù trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, nhưng tỉnh luôn quan tâm ưu tiên đầu tư cho y tế, ngoài đầu tư cho các bệnh viện tuyến tỉnh còn quan tâm đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở. Qua đó cho thấy sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền dành cho y tế là rất lớn nhằm phát triển y tế chuyên sâu, chống quá tải của các bệnh viện tuyến tỉnh.

Có thể thấy, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế vùng cao. Tuy nhiên, để y tế vùng cao ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, thời gian tới, tỉnh nên tiếp tục đề nghị các bộ, ngành cấp trung ương hỗ trợ thêm kinh phí nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế ở các địa bàn vùng cao, miền núi, còn nhiều khó khăn. Về phía các địa phương (huyện, thành phố, thị xã) nên chủ động phối hợp với các ngành có liên quan huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất cho y tế vùng cao, còn nhiều khó khăn…