Không ngừng trau dồi y đức, luôn coi bệnh nhân như người thân ruột thịt của mình, nhiều năm nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã trở thành địa chỉ tin cậy trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.
Vượt qua áp lực bằng sự yêu nghề
Với những y, bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện tâm thần, áp lực nhân đôi nhưng lại ít nhận được sự cảm thông chia sẻ của bệnh nhân. Bởi, những người bệnh khi đến đây, hầu hết đều đang trong tình trạng rối loạn cảm xúc, ngây ngô như đưa trẻ. Nhiều người không hợp tác trong điều trị, hay quậy phá, thường xuyên bị kích động, không chịu ăn cơm, uống thuốc nên phải áp dụng kỹ thuật cố định và chăm sóc toàn diện từ ăn, uống đến sinh hoạt cá nhân. Không những vậy, hằng ngày, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng ở đây còn luôn có nguy cơ gặp phải những tai nạn, nguy hiểm do bệnh nhân gây ra. Có những trường hợp bị bệnh nhân tấn công đã mang thương tật vĩnh viễn.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện cho hay: Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đáng thương lắm! Khi lên cơn, họ sẵn sàng lao vào tấn công bác sĩ, điều dưỡng. Vậy mà lúc hết cơn, họ lại ăn năn như một đứa trẻ nhỏ nũng nịu, vô hại. Mỗi lần như vậy, các bác sĩ, điều dưỡng lại bao dung, ân cần, nhỏ nhẹ dẫn dắt, khơi gợi để bệnh nhân hướng đến tương lai tươi đẹp.
Những lời sẻ chia của bác sĩ Dũng khiến chúng tôi cảm động. Bởi, các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện đã luôn coi bệnh nhân như người thân ruột thịt của mình vậy. Họ chăm sóc bệnh nhân không chỉ bằng trách nhiệm mà cả tình yêu thương nữa. Chúng tôi hiểu rằng, ở môi trường làm việc đặc thù, nhiều rủi ro như vậy, nếu không có sự yêu nghề thì có lẽ, các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ trong bệnh viện không thể “trụ” vững và gắn bó với nghề dài lâu.
Bác sĩ Trần Thị Định, Trưởng Khoa Nam cho biết thêm: Ở Bệnh viện tâm thần, hầu hết những trường hợp đến đây đều thuộc diện hộ nghèo, gia cảnh khó khăn. Do đó, họ ít được người thân quan tâm. Như trường hợp của bệnh nhân nam ngoài 50 tuổi ở Lạng Sơn, sau gần 1 năm điều trị, bệnh đã thuyên giảm nhiều, khi được xuất viện, người nhà không đón mà Bệnh viện phải lo chi phí đưa bệnh nhân trở về với gia đình (cách đây 2 năm). Tương tự, bệnh nhân nữ ở Hòa Bình, khi xuất viện, chúng tôi phải đưa xe về tận nhà. Có trường hợp như hai anh em ruột là N.V.H và N.V.S ở xã Phúc Thuận (Phổ Yên) bị bệnh tâm thần phân liệt, mỗi năm phải vào viện điều trị vài đợt. Gia cảnh khó khăn của hai bệnh nhân này khiến chúng tôi rất thương cảm. Nhiều khi, chúng tôi bỏ tiền túi để mua đồ ăn cho hai bệnh nhân này.
Cảm thông và yêu thương bệnh nhân, các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện rất vui và hạnh phúc khi nhiều bệnh nhân đã có những tiến triển tốt. Đơn cử như bệnh nhân Đ.V.N, 49 tuổi, ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy. Bệnh nhân có hoang tưởng bị đầu độc, cho rằng người khác đầu độc, làm hại mình nên luôn trong trạng thái chống đối, kích động, tấn công người xung quanh ngay cả bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc mình. Tuy nhiên, sau một tuần điều trị tích cực, chăm sóc toàn diện, hiện, bệnh nhân đã có những tiến bộ rõ rệt, tự ăn uống, vệ sinh cá nhân, không còn kích động như trước. Và sự tiến triển tốt đẹp ấy chính là động lực để các anh, chị vượt qua mọi khó khăn, vất vả hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao dù lực lượng cán bộ còn thiếu (bệnh viện hiện có 18 bác sĩ, 50 điều dưỡng), trong khi mỗi ngày phải khám, chữa bệnh cho trên dưới 200 lượt bệnh nhân ngoại, nội trú.
Luôn thấm nhuần “12 điều y đức”
Không chỉ vượt lên những khó khăn, áp lực từ công việc, hằng năm, thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Tâm thần còn khảo sát, lập kế hoạch và tiến hành các nội dung thực hiện chỉ đạo tuyến tại hơn 170 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, đào tạo, hỗ trợ trung tâm y tế của các huyện, thành phố, thị xã; trạm y tế các xã, phường, thị trấn trong công tác khám, phát hiện, điều trị và quản lý bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần tại cộng đồng. Nhờ đó, hàng nghìn bệnh nhân tâm thần đã được phát hiện và điều trị ổn định. Theo đó, người bệnh không chỉ được chữa bệnh mà còn được tư vấn nâng cao nhận thức và phục hồi chức năng ngay tại gia đình và tuyến y tế cơ sở, giảm thiểu tối đa chi phí nằm viện.
Ngoài ra, Bệnh viện còn thường xuyên giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân thông qua chăm sóc hàng ngày, lồng ghép trong các cuộc họp hội đồng người bệnh; phối hợp với trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã phổ biến, tuyên truyền, tập huấn trong công tác phòng bệnh, tăng cường giám sát chặt chẽ y tế tuyến cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân.
Với tinh thần của những “Lương y như từ mẫu”, mỗi bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ của Bệnh viện Tâm thần tỉnh đều thấm nhuần lời dậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ trách nhiệm với công việc, coi bệnh nhân như người thân ruột thịt, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Bệnh viện còn luôn tích cực “ Học tập và làm theo tư tưởng , đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, và thực hiện tốt “12 điều y đức”, “Quy tắc ứng xử trong đơn vị sự nghiệp y tế”… Qua đó, đã tạo nên một tập thể đoàn kết, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, hết mình vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.