Chuyện về nữ điều dưỡng trưởng tận tâm với nghề

10:34, 17/11/2020

Vừa trải qua một đêm trực thức trắng nhưng chị Trần Thị Phượng, Điều dưỡng trưởng của Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vẫn rất tươi tắn khi tiếp chuyện chúng tôi. Với chị, cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân chính là lý tưởng, là mong muốn mà chị đã theo đuổi suốt 18 năm qua. Vì lẽ đó, dù vất vả nhưng chị vẫn tìm thấy trong đó niềm vui và mỗi bệnh nhân được xuất viện, khỏe mạnh trở lại chính là phần quà xứng đáng cho những cố gắng, nỗ lực của chị và các đồng nghiệp.

Trò chuyện cùng chị, chúng tôi thấy nữ Điều dưỡng trưởng này có sự quyết tâm vô cùng lớn. Năm 2000, vừa tốt nghiệp THPT chị đã ghi danh và thi đỗ vào Trường Trung cấp Y tế Thái Nguyên (nay là Trường Cao đẳng). Hoàn thành chương trình học năm 2002, chị ra trường và về công tác tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Vừa đi làm, vừa tiếp tục đi học, từ năm 2006-2010, chị đã hoàn thành khóa học Cử nhân điều dưỡng tại Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên. Năm 2020, được sự tạo điều kiện của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện và lãnh đạo Khoa, chị đang tiếp tục học lên Điều dưỡng Chuyên khoa I để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chị cho hay: Vừa đi làm, vừa đi học khá vất vả, nhất là đặc thù công việc thường xuyên phải trực, thức đêm nhưng bản thân rất may mắn khi được đồng nghiệp giúp đỡ trong việc bố trí các ca trực, không chồng chéo với thời gian biểu trên lớp, giúp tôi có thể tham gia chương trình học tập được thuận lợi, hiệu quả. Hơn nữa, tôi là người hạnh phúc khi có sự hậu thuẫn rất lớn của gia đình, nhất là ông xã.

Lý giải về việc liên tục đi học để nâng cao trình độ, chị Phượng nói: Y học ngày càng một phát triển nên việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng với công việc trong tình hình mới là hết sức cần thiết. Không phải riêng tôi mà gần 20 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng của Khoa đều luôn nỗ lực trong cả công việc và học tập.

Chia sẻ cùng chị Phượng, chúng tôi được biết, công việc của một điều dưỡng khá đặc thù với gần 80% thời gian làm việc tại Bệnh viện là chăm sóc, tiếp xúc, gần gũi với người bệnh. Vì thế, mỗi điều dưỡng phải có ý thức phối hợp giữa điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục sức khỏe thì người bệnh mới nhanh hồi phục. Theo chị, ngoài việc thực hiện theo y lệnh của các bác sĩ là tiêm, truyền, cấp thuốc, mỗi điều dưỡng còn phải quan tâm, yêu thương bệnh nhân như người thân của mình…

Ở chị Phượng, chúng tôi không chỉ nhận thấy sự tận tâm với nghề mà còn có cả sự lạc quan, yêu đời nữa. Trên thực tế, Khoa Bệnh Nhiệt đới là nơi điều trị, chăm sóc khá nhiều trường hợp bệnh nhân đặc biệt, như: Mắc các bệnh truyền nhiễm (viêm gan virus, sởi, sốt xuất huyết Dengue, thủy đậu, quai bị, tay chân miệng); nhiễm khuẩn huyết, shock nhiễm khuẩn, viêm màng não, leptospirose, rickettsia, uốn ván; nhiễm nấm; có HIV/AIDS bị nhiễm trùng cơ hội... Ngoài ra, trong trường hợp các dịch bệnh nguy hiểm xẩy ra, Khoa cũng là nơi tiếp nhận và thu dung điều trị (kể cả những trường hợp mắc COVID-19)… Do đó, nhiều bệnh nhân rất mặc cảm, không phối hợp trong điều trị. Có những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân còn gây áp lực cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của khoa… Tuy nhiên, chị Phượng vẫn luôn tận tâm với công việc được giao. Chị kể: Hồi tháng 3, có một nam bệnh nhân đi Trung Quốc về có biểu hiện ho, sốt. Khi đến khám sàng lọc, chúng tôi cho cách ly để phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân được xác định là mắc bệnh viêm phổi, tràn dịch màng phổi. Sau đó, bệnh nhân có tư tưởng chủ quan, không phối hợp điều trị, trong khi bệnh này, nếu không được chữa trị triệt để có thể biến chứng nặng và tử vong.

Vì vậy, chị và các đồng nghiệp đã phải gần gũi động viên, giải thích để bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hợp tác. Cuối cùng, bệnh nhân đã phối hợp với nhân viên y tế để điều trị bệnh đạt kết quả tốt. Hay như bệnh nhân Bàn Hữu Lâm, 12 tuổi, ở xã An Thắng, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn, bị viêm màng não, nhập viện trong tình trạng hôn mê. Khi tỉnh, mỗi lần tiêm thuốc, cháu rất sợ hãi và không hợp tác. Mỗi lúc như vậy, chị Phượng lại yêu thương, dỗ dành để cháu bé không còn sợ hãi nữa. Sau 2 tuần điều trị, cháu đã xuất viện vào dịp cuối tháng 7 vừa qua.

Hai đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua (từ tháng 3-5 và từ tháng 7-8), chị Phượng và các đồng nghiệp trong Khoa cũng phải làm việc với cường độ cao. Nhất là trong đợt 2, ngoài việc làm tốt công tác phòng, chống dịch, mỗi ngày Khoa khám, sàng lọc từ 20 đến 30 người, Khoa còn phải tiếp nhận điều trị từ 10 đến 15 người bệnh vào điều trị nội trú… Dẫu vậy, chị cùng các đồng nghiệp vẫn tận lực với công việc được giao.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II Hoàng Thị Thư, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương nhận xét: Điều dưỡng Trưởng Trần Thị Phượng là người ham học hỏi, trách nhiệm với công việc, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và luôn đặt y đức lên hàng đầu. Không chỉ cẩn trọng trong công việc, xử lý nhanh các tình huống, chị còn tận tâm với người bệnh, sẵn sàng giải thích những băn khoăn, thắc mắc giúp người bệnh yên tâm, tin tưởng khi điều trị. Đặc biệt, chị luôn chân thành, cởi mở, có ý thức giúp đỡ đồng nghiệp cùng tiến bộ.

Khi chúng tôi bày tỏ mong muốn chị bật mí về bí quyết để được đồng nghiệp yêu quý và bệnh nhân tin tưởng, chị Phượng cười thật tươi: Tôi chẳng có bí quyết gì cả. Tôi cho rằng, muốn làm một điều dưỡng viên chu đáo phải có tình yêu nghề, chuyên môn vững và tấm lòng "Lương y như từ mẫu". Bởi vậy, tôi luôn nhủ lòng phải coi những người bệnh như người thân để tận tâm phục vụ.

Có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng chị Phượng luôn khiêm nhường. Với chị, những phần thưởng cao quý của các cấp, ngành như gần 6 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2019, được nhận Bằng khen của Bộ Y tế vì đã có nhiều thành tích trong công tác chuyên môn… đã động viên chị tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và công việc; và phần thưởng khiến chị hạnh phúc hơn nữa chính là sự tin yêu của đồng nghiệp và bệnh nhân.