Quản lý bệnh nhân cao huyết áp tại y tế cơ sở

07:12, 04/11/2020

Cao huyết áp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, được xem như “kẻ giết người thầm lặng”, vì toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra trong âm thầm, không có triệu chứng. Bệnh mạn tính này gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng…

Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 12 nghìn bệnh nhân cao huyết áp được quản lý. Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc khám và điều trị cho bệnh nhân, ngành Y tế đã cho phép tổ chức khám, quản lý và điều trị ngoại trú bệnh cao huyết áp tại trạm y tế tuyến xã. Hiện, toàn tỉnh có 120/178 trạm y tế tuyến xã quản lý, điều trị cho bệnh nhân cao huyết áp.

Bà Hà Thị Lan, bệnh nhân cao huyết đang điều trị tại Trạm Y tế xã Điềm Thụy (Phú Bình) cho biết: Từ năm 2017, tôi được quản lý điều trị bệnh tại trạm y tế xã. Người bệnh được quản lý điều trị cao huyết áp ngay tại trạm y tế xã không phải mất thời gian đi lại, xếp hàng như khám, điều trị ở bệnh viện tuyến trên. Định kỳ hằng tháng, tôi đến đây kiểm tra huyết áp và được cán bộ y tế tư vấn, cấp phát thuốc điều trị bệnh. Tôi rất yên tâm khi các bác sĩ tư vấn cho tôi uống thuốc đều đặn, đúng giờ; chế độ ăn uống phù hợp với người cao huyết áp… Vì vậy, hơn 3 năm nay, huyết áp của tôi khá ổn định…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau một thời gian tuyên truyền, vận động, hầu hết người mắc bệnh cao huyết áp đã yên tâm khi được theo dõi quản lý, điều trị bệnh ngay tại trạm y tế tuyến xã nơi mình sinh sống. Đáng nói là, cùng với việc điều trị theo phác đồ, người bệnh còn được hướng dẫn tự đo, ghi chép, theo dõi chỉ số huyết áp, từ đó giúp cán bộ y tế tuyến xã nắm bắt được bệnh lý để tư vấn điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Thực tế cho thấy, cao huyết áp là bệnh không lây nhiễm phải dùng thuốc suốt đời. Trong khi đó, hiện nay, hầu hết các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đã được trang bị thiết bị y tế phục vụ việc theo dõi huyết áp cho người bệnh. Theo đó, ngành Y tế luôn quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ y tế tuyến cơ sở được đi học tập, nâng cao trình độ nên có thể tư vấn, điều trị cho người bệnh hiệu quả. Bởi vậy, việc quản lý và điều trị cho người mắc bệnh cao huyết áp ngay tại trạm y tế tuyến xã như hiện nay đã giúp người bệnh tiết kiệm được rất nhiều chi phí vì không phải đi xa, mất nhiều thời gian di chuyển; giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Đồng thời, giúp ngành Y tế nắm bắt được tình trạng bệnh của người cao huyết áp để có sự chỉ đạo trong việc theo dõi, điều trị dễ dàng, hiệu quả hơn.

Bác sĩ Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phú Bình cho rằng: Từ việc được tạo điều kiện trong đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, trang bị một số thiết bị phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh, đã giúp nâng cao năng lực trạm y tế tuyến xã trong phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, phòng ngừa được các biến chứng do bệnh cao huyết áp gây ra.

Thực tế hiện nay cho thấy, số người mắc bệnh cao huyết áp trên địa bàn tỉnh vẫn có xu hướng tăng cao. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, thực hiện “Tuần lễ toàn dân đi đo huyết áp” năm 2020 ở 9 huyện, thành, thị trong tỉnh, đã có trên 23 nghìn người được đo huyết áp, trong đó có hơn 5.900 người bị cao huyết áp, số người tăng huyết áp mới phát hiện là 1.060 trường hợp. Vì thế, nhu cầu người bệnh được quản lý điều trị bệnh ngay tại trạm y tế tuyến xã ngày càng cao hơn.

Bởi vậy, với mục tiêu hạn chế số người tàn tật và tử vong do mắc bệnh cao huyết áp, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tổ chức hệ thống dự phòng để phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý hiệu quả cho người bệnh ngay từ tuyến xã. Cùng với đó, Sở Y tế sẽ tiếp tục thẩm định, cho phép những trạm y tế tuyến xã đủ điều kiện tổ chức khám, quản lý và điều trị ngoại trú cho người cao huyết áp…