Hiện, toàn tỉnh có trên 760 cơ sở khám, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động và hơn 1.250 cơ sở kinh doanh thuốc hoạt động có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh còn hiệu lực. Thực tế này cho thấy, hệ thống hành nghề y, dược của tỉnh có xu hướng tăng về số lượng, quy mô dịch vụ và các hình thức tổ chức. Do đó, để siết chặt công tác quản lý, thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh thanh, kiểm tra đối với lĩnh vực này.
Một trong những mặt tích cực của việc gia tăng các cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn tỉnh là đã góp phần tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng của người dân và giảm tải cho các bệnh viện công lập và bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, để các cơ sở này hoạt động theo đúng quy định của pháp luật thì hoạt động thanh, kiểm tra đóng vai trò rất quan trọng.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thời gian qua, hoạt động thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hành nghề y, dược trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên, đột xuất tại các cấp. Theo đó, Sở đã phối hợp với các ngành như: Công Thương, Quản lý thị trường, Công an, Khoa học và Công nghệ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những cơ sở vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo phòng y tế cấp huyện tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tại 9 huyện, thành phố, thị xã và phân cấp đối với chính quyền địa phương cấp xã tổ chức thanh, kiểm tra công tác này trên địa bàn.
Thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra, từ năm 2017 đến nay, tuyến tỉnh đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 100 lượt cơ sở, xử phạt 36 cơ sở với tổng số tiền phạt lên đến 100 triệu đồng. Đối với tuyến huyện, đã thanh, kiểm tra được gần 800 lượt cơ sở, xử phạt gần 200 cơ sở, với số tiền trên 500 triệu đồng. Theo ông Khương Anh, Chánh thanh tra Sở Y tế, các lỗi vi phạm chủ yếu của các cơ sở hành nghề y, dược là không có giấy phép hoạt động; không niêm yết giá dịch vụ y tế; bán thuốc không có đơn của bác sĩ; không mở sổ theo dõi hoạt động mua, bán thuốc; để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc; không bảo đảm trang phục y tế trong quá trình hoạt động...
Có thể khẳng định, thông qua việc đẩy mạnh thanh, kiểm tra, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh, doanh nghiệp kinh doanh thuốc và các cơ sở bán lẻ thuốc đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, theo nguyên tắc và tiêu chuẩn thực hành tốt (GPS). Đặc biệt, tình trạng hành nghề y, dược không phép trên địa bàn tỉnh giảm rất nhiều so với hơn chục năm trước. Nhờ đó, chất lượng thuốc cơ bản được đảm bảo và từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, ngoài những lỗi vi phạm được phát hiện thông qua hoạt động thanh, kiểm tra, các cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn vẫn còn vi phạm như: Theo quy định, bác sĩ chỉ được phép khám, chữa bệnh kê đơn, không được trực tiếp bán thuốc nhưng trên thực tế, tình trạng này vẫn diễn ra ở một số cơ sở y, dược ngoài công lập.
Bởi vậy, ông Đặng Ngọc Huy cho rằng: Để làm tốt công tác quản lý hành nghề y, dược trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược và các văn bản mới quy định về hành nghề y, dược cho các tổ chức, cá nhân hành nghề trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục được Sở Y tế tăng cường. Không dừng lại ở đó, chúng tôi còn tiếp tục nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, người dân trong giám sát công tác khám, chữa bệnh, hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân. Đồng thời, tiếp tục tạo mọi điều kiện trong việc cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hành nghề y, dược; tăng cường chỉ đạo và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc yêu cầu thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước giám đốc Sở nếu để nhân viên là y, bác sĩ tham gia hoạt động hành nghề không phép.
Song song với đó là chú trọng và đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về hành nghề y, dược; chỉ đạo và phối hợp với UBND cấp huyện kiểm tra đột xuất, xử lý đối với cơ sở hành nghề không phép tại các huyện. Cùng với đó là tiến hành kiện toàn, nâng cao năng lực, chất lượng thanh, kiểm tra, kiên quyết thực thi chế tài xử lý vi phạm, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm trật tự, kỷ cương trong khám, chữa bệnh, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của cơ sở y tế, người hành nghề y, dược và người dân.
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, ngành Y tế nên thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở hành nghề y, dược có vi phạm pháp luật về y tế, tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt để nhân dân biết nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tái phạm. Đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin giữa Sở Y tế và UBND cấp huyện và các sở, ngành có liên quan nhằm nắm bắt kịp thời, phối hợp ngăn chặn, xử lý các vi phạm, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cơ sở…