Là bệnh viện hạng II trực thuộc Sở Y tế, khoảng 5 năm trở lại đây, cùng với việc đầu tư về nguồn lực con người, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã đầu tư nhiều thiết bị y tế hiện đại trong chẩn đoán và điều trị. Từ việc kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, Bệnh viện đã thực hiện rất “tròn vai” khi khám bệnh, chữa bệnh đa khoa, phục hồi chức năng đạt kết quả tốt. Nhờ đó, uy tín của Bệnh viện ngày càng được “thăng hạng” khi lượng bệnh nhân đến khám và điều trị luôn tăng theo từng năm. Dự tính năm 2020, Bệnh viện khám bệnh cho trên 6.300 lượt người; điều trị nội trú cho gần 5.300 lượt bệnh nhân, tăng hơn 100 lượt so với năm trước…
Ông Lê Thanh Mẫn, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) nói: Do tuổi cao, tôi đã bị thoái hóa đốt sống lưng, khớp gối, mỗi khi “trái nắng, trở trời”, toàn thân đau nhức. Năm ngoái, tôi điều trị bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, tôi rất vui khi chỉ sau một liệu trình, bệnh tình của tôi đã thuyên giảm, ăn, ngủ tốt, sức khỏe cải thiện rất nhiều.
Có thể thấy, với nhiều thế mạnh trong điều trị các bệnh lý về xương, khớp, thần kinh, nhất là ở những người cao tuổi, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đang trở nên quá tải khi lượng bệnh nhân tăng nhanh mà cơ sở vật chất vẫn “đóng băng” như khi mới thành lập. Tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 1994, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên được thành lập. 2 năm sau (năm 1996), Bệnh viện được đầu tư xây mới với quy mô bệnh viện 80 giường điều trị nội trú. Sau nhiều năm sử dụng, đến nay, cơ sở vật chất của Bệnh viện một số hạng mục đã xuống cấp. Cũng bởi đã được xây dựng từ lâu, diện tích sử dụng quá chật hẹp, lại chưa được đầu tư cải tạo, sửa chữa lớn nên khối phòng làm việc hành chính, các khoa điều trị, diện tích buồng bệnh của Bệnh viện chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn Bộ Y tế quy định.
Mặc dù cơ sở xuống cấp như vậy nhưng hằng năm công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện luôn vượt kế hoạch rất nhiều. Đơn cử như năm 2020, Bệnh viện được giao kế hoạch 250 giường, nhưng thực tế đang kê 370 giường. Dự kiến đến năm 2025, bệnh viện được giao kế hoạch 350 giường bệnh và sẽ đạt “mốc” 500 giường vào năm 2030. Do đó, để khắc phục tình trạng này, những năm qua, đơn vị phải cải tạo một số hạng mục làm chỗ kê thêm giường bệnh. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế chứ chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Hoạt động của Bệnh viện sẽ càng khó khăn hơn khi bắt đầu từ ngày 1/1/2021, toàn quốc thực hiện thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú tuyến tỉnh. Theo đó, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) ở các bệnh viện tuyến tỉnh có thể đến bất cứ bệnh viện tuyến tỉnh nào trong cả nước để điều trị bệnh nội trú mà vẫn được BHYT chi trả như đi đúng tuyến. Đây là một trong những lý do khiến lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền sẽ tăng đột biến vào năm sau. Bà Nguyễn Thị Nụ, một người dân ở xã Phú Cường (Đại Từ) nói: Vì việc chuyển bảo hiểm y tế từ bệnh viên này sang bệnh viện kia rất khó khăn nên tôi chưa có điều kiện đến điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Tôi đang đợi khi được thông tuyến bảo hiểm sẽ đến điều trị bệnh tại đây.
Sau nhiều năm làm việc trong điều kiện cơ sở vất chất thiếu thốn, hơn 150 cán bộ của Bệnh viện rất vui khi tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII (diễn ra từ ngày 9 đến 12/12) đã xem xét, thảo luận và cho ý kiến vào việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Đây chính là cơ hội để dự án triển khai thực hiện các bước tiếp theo, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Thực hiện Dự án này, Bệnh viện sẽ được chuyển về địa bàn xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên). Thời gian thực hiện Dự án là từ nay cho đên năm 2025. Nguồn kinh phí xây dựng được đầu tư từ ngân sách Trung ương, tỉnh và các nguồn vốn khác.
Bác sĩ Chuyên Khoa Cấp II Trương Thị Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện cho hay: Nếu Dự án được triển khai, cơ sở vật chất được tăng cường, Bệnh viện không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh mà còn trở thành “địa chỉ đỏ” trong khám, chữa bệnh của người dân vùng Trung du miền núi phía Bắc.