Thay đổi thói quen để sống khoẻ mạnh hơn

07:48, 11/12/2020

Hiện nay, các dịch bệnh liên quan đến vệ sinh cá nhân, nước sạch và vệ sinh môi trường như tiêu chảy, viêm gan, nhiễm giun sán và các bệnh lây qua đường tiêu hóa, hô hấp khác còn khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó Thái Nguyên cũng là tỉnh có số người mắc các bệnh này còn khá cao.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân chưa nhận thức đầy đủ về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nói chung và ý thức thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn kém, đặc biệt là hành vi rửa tay bằng xà phòng. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh còn thấp, chỉ chiếm 68%. Đây cũng là một trong những lý do khiến các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Bà Lê Ái Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để tiến tới đạt trên 70% hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh có và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cũng như hình thành thói quen rửa tay với xà phòng, trong những năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai nhiều biện pháp kêu gọi sự quan tâm ưu tiên đầu tư, tuyên truyền, vận động đến người dân về lĩnh vực này. Đặc biệt, việc triển khai Dự án “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới” trên địa bàn 35 xã, phường đã góp phần tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh thông qua công tác truyền thông lồng ghép vận động và hỗ trợ xây dựng, cải tạo một số công trình vệ sinh hộ gia đình, nơi công cộng. Kết quả qua 4 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ xây mới 5.241 nhà tiêu hợp vệ sinh và bố trí các điểm rửa tay xà phòng một cách thuận tiện tại các hộ gia đình. Bên cạnh đó, thông qua công tác truyền thông, vận động đã có trên 2.000 hộ gia đình xây dựng nhà tiêu mới hoặc cải tạo nhà tiêu theo các tiêu chí vệ sinh của Bộ Y tế mà không trông chờ vào sự hỗ trợ của dự án.

Việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cũng như thường xuyên rửa tay với xà phòng là những biện pháp hữu hiệu góp phần đẩy lùi bệnh tật. Kết quả nghiên cứu cho thấy, rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng như trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh có thể ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh. Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm tới gần 50% trường hợp mắc tiêu chảy, hơn 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp và giảm 15% trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi. Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm….

Vì vậy, cao điểm của chiến dịch truyền thông trong năm 2020 là Lễ phát động truyền thông vận động cộng đồng tham gia phong trào “Rửa tay với xà phòng hưởng ứng ngày nhà tiêu thế giới” được tổ chức tại Trường Tiểu học Hợp Tiến (Đồng Hỷ) với sự tham dự của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể địa phương và các em học sinh.Mục tiêu của chiến dịch là nhằm tạo thói quen giữ sạch đôi tay cho mọi người. Đây cũng chính là một thói quen đời thường có lợi cho sức khỏe, vì thế cần phải được thực hiện thường xuyên và nhân rộng trong cộng đồng nếu không trẻ em sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân của những căn bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, sởi, rubella, tay chân miệng…

Bà Lê Ái Kim Anh cũng cho biết thêm, Thái Nguyên là tỉnh còn nhiều khó khăn, với một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thì việc thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi là điều không dễ dàng, vì thế đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp các ngành mà tiên phong là ngành Y tế.