Theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), từ ngày 1/1/2021, nước ta thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với các bệnh nhân khám, chữa bệnh (KCB) bằng thẻ BHYT. Theo khảo sát của chúng tôi, người dân trên địa bàn tỉnh rất phấn khởi khi chính sách này được triển khai. Bởi, từ nay trở đi, dù không khám bệnh đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc, bà con vẫn được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị nội trú như đúng tuyến.
Với gần 1,3 triệu dân, Thái Nguyên đang có 98,5% số dân có bảo hiểm y tế (BHYT). Các trường hợp hộ nghèo; người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đều được phát thẻ BHYT miễn phí. Ngoài ra, hộ cận nghèo được Chính phủ hỗ trợ 70% giá trị thẻ và tỉnh hỗ trợ thêm 30%. |
Chị Hứa Thị Thoa, ở xã Phú Tiến (Định Hóa) nói: Trước đây, để được điều trị nội trú khi mắc các loại bệnh khá nặng như viêm cầu thận, viêm bàng quang, viêm loét dạ dày…, tại các bệnh viện tuyến tỉnh có uy tín, tôi chấp nhận khám “ngoài”. Còn bây giờ, chỉ cần mang theo thẻ BHYT, tôi có thể khám, chữa bệnh ở bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào mà vẫn được thanh toán chi phí điều trị nội trú như đúng tuyến nên rất tiện lợi.
Cùng chung niềm vui với chị Thoa, bà Lê Thị Thúy, ở xã Cổ Lũng (Phú Lương) cho hay: Tôi bị thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng, 5 năm trước, tôi từng khám, điều trị theo phương pháp vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và thấy rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc chuyển bệnh viện cùng tuyến khi KCB BHYT khá phức tạp nên vừa rồi, trời rét đậm, rét hại, bệnh cũ tái phát, lưng, hông và bàn chân phải đau nhức nhưng tôi vẫn “lần nữa” mãi chưa đi viện. Tôi đợi đến khi chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nối trú đối với KCB BHYT có hiệu lực mới đăng ký điều trị tại đây. Tôi tin, sau đợt điều trị này, bệnh tình của tôi sẽ thuyên giảm.
Không chỉ riêng chị Thoa, bà Thúy mà gần 1,3 triệu dân trên địa bàn tỉnh đều mong chờ chính sách này. Bởi, khi thẻ BHYT và đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc, người dân vẫn được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như đúng tuyến là 80%, 95% và 100% chi phí KCB.
Theo bác sĩ Chuyên Khoa Cấp II Trương Thị Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, trước đây khi chưa thông tuyến tỉnh, bệnh nhân khám bệnh trái tuyến chỉ được BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú.Do đó, khi chính sách này được thực thi, người dân, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hộ nghèo, người khuyết tật… đều được hưởng lợi, giúp bà con giảm áp lực về chi phí trong quá trình điều trị nội trú.
Bên cạnh việc thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT, các trường hợp KCB, điều trị nội trú tại tuyến Trung ương nếu không có giấy chuyển viện vẫn được chi trả 40%, trừ trường hợp cấp cứu, bệnh nhân là người dân tộc thiểu số và thuộc hộ nghèo hoặc người dân sống tại xã đảo, huyện đảo.
Một thức tế là khi thông tuyến BHYT ở tuyến tỉnh, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại một số bệnh viện có uy tín như Y học Cổ truyền tỉnh, A Thái Nguyên, C Thái Nguyên, Gang Thép… chắc chắn sẽ tăng đột biến. Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho hay: Chúng tôi đã dự đoán trước tình trạng một số bệnh viện sẽ “quá tải” và chi phí y tế gia tăng tạo áp lực lên quỹ BHYT khi số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tăng mạnh trong năm nay. Do đó, ngay từ những tháng cuối năm 2020, bên cạnh việc chỉ đạo các bệnh viện đẩy nhanh quá trình thông tuyến BHYT, ngành Y tế đã yêu cầu các đơn vị phải tăng cường chất lượng KCB cho người dân, nâng cao năng lực cho nhân viên y tế. Đặc biệt, trong năm nay, chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc chỉ định điều trị nội trú; yều các các bệnh viện sắp xếp bố trí giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị cũng như nhân lực hiện có; có kế hoạch phối hợp và chủ động phối hợp với các cơ sở KCB khác, bao gồm cả cơ sở tuyến huyện để điều chuyển bệnh nhân khi quá tải. Đồng thời, rà soát quy định cụ thể việc sắp xếp, phân tuyến KCB, quyết định số lượng giường của từng cơ sở trên địa bàn…
Có thể thấy, ngành Y tế đã có sự chủ động từ rất sớm trong công tác chỉ đạo, điều hành các cơ sở KCB trên địa bàn khi chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT có hiệu lực. Cùng với sự chủ động của cơ quan quản lý Nhà nước, nhiều cơ sở y tế đã nỗ lực đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất các khoa, phòng; đầu tư trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng nhu cầu KCB của người dân trong tình hình mới như Bệnh viện A Thái Nguyên, Bệnh viện C Thái Nguyên, Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên…