Với nhiều nỗ lực trong đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao trình độ cho cán bộ điều dưỡng, bác sĩ, khoảng 5 năm trở lại đây, Bệnh viện đa khoa Phú Bình đã trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” được người dân tin yêu. Từ năm 2017, bệnh viện đã thực hiện được kỹ thuật tán sỏi qua da; tán sỏi niệu quản bằng lazer - là những kỹ thuật tuyến Trung ương.
Theo bác sĩ Đồng Văn Phúc, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa Phú Bình, sỏi thận là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Sỏi trong thận được hình thành khi lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ chất khoáng trong nước tiểu tăng cao, lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi.
Nếu sỏi thận nhỏ, có thể tự đẩy ra ngoài theo đường tiểu. Nhưng nếu sỏi lớn, viên sỏi di chuyển cọ xát vào đường niệu có thể gây ra những cơn đau lưng, tiểu ra máu. Nếu sỏi thận bị kẹt trong cuống đài thận, gây bế tắc, làm giãn nở và tạo ra áp lực tác động lên dây thần kinh thận và vỏ thận gây ra cơn đau quặn thận… Sỏi có thể làm tắc nghẽn đường tiểu, tồn đọng nước tiểu, gây viêm nhiễm, lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa đường tiểu và giảm chức năng co bóp đường tiểu gây nên các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản gây ra suy thận.
Đơn cử như trường hợp của bà Dương Thị Mì, 70 tuổi, xã Lương Phú (Phú Bình). Do bị sỏi thận, cách đây hơn 2 tháng, bà đã phải nhập viện trong tình trạng đau quặn thận. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bà bị sỏi thận ở cả hai bên (thận trái và phải). Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật bên thận trái để lấy sỏi cho bệnh nhân. Tiếp đến trung tuần tháng 1, bệnh nhân lại tiếp tục nhập viên để phẫu thuật lấy sỏi bên thận phải.
Hay như trường hợp của anh Nguyễn Khắc Nghị, sinh năm 1986, ở xã Úc Kỳ (Phú Bình). Cách đây hơn một năm, anh Nghị nhập viện trong tình trạng suy thận cấp, thể trạng suy kiệt. Trước đó, anh đã từng đi khám và phát hiện bị sỏi thận từ khoảng năm 2010. Sau khi tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân, các bác sĩ đã lấy ra được khá nhiều sỏi, trong đó có viên sỏi nặng gần 400g.
Bác sĩ Đồng Văn Phúc, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa Phú Bình cho hay: Những trường hợp này nếu can thiệp sớm bằng tán sỏi ngoài da thì sẽ giảm được đau đớn và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ 18Fr dưới hướng dẫn siêu âm với tư thế nằm nghiêng và gây tê tuỷ sống, là phương pháp điều trị sỏi thận an toàn và đạt hiệu quả sạch sỏi cao. Hiện nay, dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi đã thực hiện được kỹ thuật này.
Ngoài ra, dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện đa khoa Phú Bình đang là cơ sở y tế tuyến huyện duy nhất của tỉnh thực hiện tán sỏi niệu quản bằng lazer. Đây là phương pháp sử dụng máy tán sỏi và năng lượng laser để tán hoàn toàn các viên sỏi niệu quản qua đường ống tự nhiên của cơ thể. Cách chữa sỏi niệu quản này giúp bác sĩ điều trị nhiều ca bệnh khó và nhiều ưu điểm vượt trội khác như: tán được mọi loại sỏi, kể cả khi sỏi nằm ở những vị trí khó và có kích thước lớn; thời gian thực hiện liệu trình nhanh; người bệnh có thể xuất viện sau khi tán sỏi 1 ngày… Từ năm 2017 đến nay, Bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật này để điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Phú Bình, trong năm qua, đã có khoảng 200 trường hợp mắc các bệnh về thận điều trị tại bệnh viện, trong đó có rất nhiều bệnh nhận bị sỏi thận. Nguyên nhân dẫn đến bệnh sỏi thận là do chúng ta uống nước không đủ, lượng nước tiểu tạo thành ít. Khi đó, các chất khoáng như calci, oxalic… sẽ tích tụ nhiều ở thận gây ra sỏi thận. Cùng với đó là do chế độ ăn uống thiếu hợp lý, thói quen ăn mặn, ăn nhiều thịt cũng dẫn đến sỏi thận. Đôi khi, ăn quá nhiều rau cũng có thể gây ra sỏi thận. Các bệnh lý đường tiết niệu như u xơ tuyến tiền liệt, u xơ đội lên vào lòng bàng quang có thể khiến nước tiểu đọng lại, lâu ngày tạo ra sỏi thận…
Sỏi thận là bệnh có thể phòng, tránh được nếu người bệnh có thói quen sinh hoạt lành mạnh. Để phòng ngừa sỏi thận, mỗi người nên uống đủ nước (khoảng 2 lít mỗi ngày). Uống đủ nước sẽ giúp các chất khoáng calci và oxalat được đào thải ra ngoài, tránh tích tụ thành sỏi thận. Có chế độ ăn uống hợp lý. Không nên ăn quá nhiều thực phẩm chứa calci. Không ăn mặn, ăn nhiều đạm hay nhiều mỡ; hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều oxalat như, trà đặc, cà phê, chocolate, bột cám, ngũ cốc, rau muống; tập thể dục thường xuyên…