Cuối tháng 2, đầu tháng 3, cũng như nhiều tỉnh miền Bắc, tiết trời ở Thái Nguyên nồm ẩm, là điều kiện để nhiều dịch bệnh bùng phát, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiêu hóa. Đây cũng là thời điểm rất thuận lợi cho dịch COVID-19 bùng phát. Do đó, nếu không có biện phòng, chống kịp thời, nguy cơ dịch chồng dịch rất có thể xảy ra.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3, số người mắc bệnh cúm khá nhiều. Chị Lê Thị Thu Hiền, ở tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho hay: Cách đây hơn chục hôm, tôi bị mắc bệnh cúm do lây từ người bạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và khiến tôi không thể tập trung làm việc. Diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, tôi không dám đến bệnh viện khám mà phải mời bác sĩ về nhà tư vấn điều trị. Sau một tuần uống thuốc, bệnh của tôi đã khỏi. Tuy nhiên, đây là bệnh có mức độ lây lan khá nhanh nên hai con của tôi đã lây bệnh từ mẹ, đang phải điều trị.
Th.s, bác sĩ CKII Hoàng Thị Thư, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Ngoài bệnh cảm cúm, các bệnh như sởi, rubella, thủy đậu, ho gà, bệnh dại, viêm màng não vi rút, tiêu chảy do Rota vi rút, viêm cầu lợn… cũng rất dễ bùng phát trong mùa đông - xuân. Đáng nói là, bệnh mùa đông - xuân do các tác nhân khác nhau có thể gây bệnh trở nặng, biến chứng nguy hiểm. Một số bệnh như sởi, thủy đậu… có thể “tấn công” trẻ nhỏ. Bởi thế, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp khả thi để đẩy lùi các dịch bệnh dễ bùng phát trong mùa đông - xuân năm 2021, nhất là những biện pháp ứng phó với dịch COVID-19, kiên quyết không để dịch chồng dịch.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế thông tin: Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa đông - xuân năm nay, ngay từ cuối năm 2020, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; truyền thông, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Trong đó, đặc biệt lưu ý tới việc phòng, chống các dịch bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết, dại, sởi/rubella, viêm não Nhật Bản...; chủ động kế hoạch ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm như: ebola, cúm A (H7N9), cúm A (H5N1).
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc - xin là giải pháp hữu hiệu nhất nên ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai và và giám sát thực hiện tiêm chủng mở rộng; đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 95% trên quy mô cấp xã/phường/thị trấn; thực hiện tiêm chủng an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19, xử lý kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng.
Đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thái Nguyên cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân ý thức được sự nguy hiểm của dịch để không chủ quan, nhưng cũng không hoang mang; tích cực thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế… Đặc biệt, tỉnh đã làm tốt công tác rà soát, quản lý, theo dõi sức khỏe đối với các trường hợp tiếp xúc gần với các ca dương tính với SARS-Cov-2, đến từ hoặc đi qua các vùng có dịch COVID-19; tổ chức rà soát, quản lý, cách ly đối với các trường hợp nghi nhiễm và các trường hợp được điều trị khỏi xuất viện trở về địa phương; lấy mẫu xét nghiệm đối với người nghi nhiễm COVID-19; xây dựng cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến thực hiện phòng, chống dịch...
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, lãnh đạo ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, ủ ấm cơ thể khi ra ngoài trời, nhất là giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, tiêu chảy, bệnh hô hấp…, hạn chế đến những chỗ đông người; ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; uống nước ấm, tránh ăn hoặc uống nước lấy trực tiếp từ tủ lạnh; đảm bảo vệ sinh cá nhân; khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh truyền nhiễm cần đến ngay cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời...