Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.500 cán bộ y tế (không tính nguồn nhân lực của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên). Trong đó, có trên 250 bác sĩ tuyến huyện. Với nhiều nỗ lực, khoảng 3 năm trở lại đây, các cơ sở y tế tuyến huyện đã không ngừng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị y tế, đào tạo nguồn lực nhân lực, đưa nhiều kỹ thuật mới vào phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Ông Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên cho rằng: Được trang bị các thiết bị cần thiết cho chuyên môn như máy siêu âm, X-quang, máy thở, bàn mổ, các bộ dụng cụ mổ, máy nội soi các loại, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, giường, tủ, bàn, ghế... chính là điều kiện cần thiết để cán bộ y tế triển khai các kỹ thuật, nâng cao tay nghề, bước đầu đã khuyến khích bác sĩ về công tác tại các bệnh viện tuyến huyện.
Bệnh cạnh đầu tư thiết bị y tế, các cơ sở y tế tuyến huyện đặc biệt ưu tiên cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn cũng như các lớp đào tạo chuyên sâu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, nhiều cán bộ y tế tuyến đã có trình độ sau đại học, đảm nhận tốt nhiệm vụ ở các lĩnh vực chuyên sâu.
Dưới sự hỗ trợ của các thiết bị y tế và đầu tư cho nguồn nhân lực, hiện nay, các bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật hiện đại như: mổ cắt u xơ, u nang buồng trứng, mổ nội soi chửa ngoài tử cung, mổ nội soi cắt ruột thừa viêm… Ngoài ra, nhiều bệnh viện còn triển khai có hiệu quả hệ thống máy xét nghiệm sinh hoá tự động, xét nghiệm loãng xương, siêu âm màu 4 chiều có đầu dò tim mạch. Loại máy siêu âm này giúp chẩn đoán huyết khối trong mạch máu, hẹp tắc mạch máu, đối với tim, máy có thể đánh giá tình trạng chức năng tâm thu thất trái, đánh giá rõ kích thước các buồng tim, lỗ thông bẩm sinh của liên thất, liên nhĩ, hẹp hay hở các van. Từ đó, các y, bác sĩ có thể lập phác đồ điều trị chuẩn xác hơn cho người bệnh.
Ngoài ra, việc được nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương cũng đã góp phần phát triển nhiều kỹ thuật mới, hiện đại ở bệnh viện tuyến huyện. Nhờ đó, chất lượng chẩn đoán, điều trị tăng lên, nhiều bệnh viện đã thực hiện được các kỹ thuật phân tuyến cho huyện và của cả tuyến trên; quản lý bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp tại địa bàn.
Mổ nội soi gỡ dính vòi trứng cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Phú Bình.
Một điểm nhấn rõ nét là từ khi được giao tự chủ về mặt tài chính, nhiều bệnh viện đa khoa tuyến huyện như Phú Bình, Đại Từ, Định Hóa đã mạnh dạn bổ sung nhiều thiết bị y tế hiện đại để thực hiện được nhiều kỹ thuật khó của tuyến tỉnh, tuyến Trung ương. Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa Phú Bình hiện đang là cơ sở y tế tuyến huyện duy nhất thực hiện được kỹ thuật tán sỏi qua da. Đặc biệt, bệnh viện đã phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh hi hữu giải như phẫu thuật lấy gần 400gam sỏi cho nam bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận; mổ cấp cứu thành công cho sản phụ có địa chỉ thường trú tại Bắc Giang bị suy thai… Gần đây nhất, Bệnh viện đã thực hiện thành công ca mổ thoát vị bẹn trái cho một bệnh nhân 63 tuổi cư trú tại Phú Bình. Trước đó, bệnh nhân có tiền sử viêm da được chẩn đoán là u xơ thần kinh (loại bệnh do di truyền hiếm gặp, trong 3.000 người mới có 1 trường hợp mắc. Bệnh có biểu hiện mụn sùi da cóc ở khắp người và chỉ gặp ở nam giới).
Theo bác sĩ Đồng Văn Phúc, Khoa Gây mê hồi sức của Bệnh viện Đa khoa Phú Bình thì đây là một ca bệnh hiếm gặp, gây nhiều khó khăn khi gây tê tủy sống trên nền da sần sùi, khó tiêm của bệnh nhân. Đặc biệt, chỉ một sai sót nhỏ cũng gây biến chứng cho người bệnh. Tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Phú Bình đã thực hiện kỹ năng khéo léo vén da để thực hiện kỹ thuật này, vừa đảm bảo an toàn vừa giảm đau tốt cho bệnh nhân.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây, những ca bệnh khó như thế này thường được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Nhưng vài năm trở lại đây, khi có thiết bị y tế hiện đại, tay nghề bác sĩ được “thăng hạng” thì rất nhiều kỹ thuật của tuyến tỉnh, tuyến Trung ương đã được thực hiện thành công ngay tại bệnh viện tuyến huyện. Từ đó, uy tín của các cơ sở y tế tuyến huyện ngày càng được nâng cao, đáp ứng được niềm mong mỏi của người dân. Bà Bùi Thị Huyền, ở xóm Ao Mật, xã Hoàng Nông (Đại Từ) cho biết: 7 năm trước, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đại Từ đã tiến hành phẫu thuật ghép thành công xương cánh tay bị vỡ cho tôi. Trước khi phẫu thuật, người thân của tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, thấy tôi hồi phục tốt nên mọi người đã yên tâm và ngày càng tin tưởng vào tay nghề của các bác sĩ.
Khi tạo uy tín đồng nghĩa với việc người dân sẽ đến khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến huyện nhiều hơn. Từ đó, không chỉ giảm tải cho các bệnh viện tuyến truyên mà còn tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân.