Sau hơn 2 tuần triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đợt 1, đến nay, Thái Nguyên đã hoàn thành vượt mục tiêu đề ra khi không chỉ bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng người, đúng đối tượng mà số liều tiêm cũng tăng hơn so với dự kiến. Theo kế hoạch, tỉnh được phân bổ 10,8 nghìn liều vắc xin Astrazeneca (trong đó có 400 liều phân bổ cho lực lượng công an). Kết thúc chiến dịch, Thái Nguyên đã tiêm được hơn 12,6 nghìn liều vắc xin, vượt 17,4% kế hoạch.
Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Phượng, điều dưỡng Trưởng của Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Lý do khiến số liều tiêm tăng hơn dự kiến là mỗi lọ vắc xin, nhà sản xuất sẽ đóng sản phẩm nhiều hơn so với số lượng ghi trên bao bì. Hơn nữa, kim tiêm đi kèm với vắc xin sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đã ấn định số lượng vắc xin tiêm cho mỗi liều (0,5ml/liều) nên rất thuận tiện cho mỗi lần lấy vắc xin. Đặc biệt, kỹ thuật tiêm tốt cũng là nguyên nhân giúp cho mỗi lọ vắc xin có thể tiêm được 11, thậm chí 12 liều thay vì tiêm được 10 liều như dự kiến. Đơn cử như Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, dự kiến được tiêm 620 liều, nhưng thực tế đã tiêm được trên 880 liều.
Đáng nói là chiến dịch tiêm chủng đã diễn ra an toàn, hiệu quả khi không có các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Có gần 20% phản ứng thông thường sau tiêm như: sốt, đau, đỏ chỗ tiêm, đau mỏi người, có 3 trường hợp phản vệ độ 1 và 2 trường hợp phản vệ độ 2 đã được xử trí kịp thời, không có diễn biến đặc biệt. Bác sĩ CKII Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên cho hay: Sau tiêm, tôi được theo dõi 1 giờ đồng hồ. Về nhà, tôi chỉ thấy hơi đau mỏi cơ, sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, có nhiều đồng nghiệp bị sốt, đau tại chỗ tiêm… Dù vậy, không ai lo lắng vì mọi người đã biết đây chỉ là những phản ứng thông thường. Cán bộ của bệnh viện đều rất vui khi được tiêm trong đợt này. Với những cán bộ y tế, hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân, việc được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 chính là “lá chắn” tốt nhất giúp họ phòng dịch và có đủ sức khỏe hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong đợt 1, đối tượng được ưu tiên tiêm phòng vắc xin trên địa bàn tỉnh là người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng, chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ…); người làm việc tại các cơ quan hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, phóng viên. |
Không những thế, chiến dịch lần này còn đảm bảo tiêu chí “tiết kiệm” khi các hoạt động tiêm chủng được triển khai với phương châm sử dụng nguồn lực tại chỗ. Các điểm tiêm đều sử dụng hệ thống tiêm chủng sẵn có trong hệ thống tiêm chủng mở rộng của các tuyến (tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; ba bệnh viện tuyến tỉnh; các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện).
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Đạt được kết quả này là do chúng ta đã làm tốt công tác chuẩn bị. Nhất là đã việc rà soát, thống kê toàn bộ nhân lực làm công tác tiêm chủng trên toàn tỉnh; cân đối nguồn lực triển khai, lập kế hoạch tập huấn đào tạo cơ số cán bộ dự bị để từ đó có thể huy động nguồn lực này trong quá trình triển khai. Trước và trong quá trình tiêm, ngành Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị rà soát hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin, có kế hoạch cấp bổ sung phích vắc xin, nhiệt kế theo dõi nhiệt độ tủ lạnh, tổng hợp số tủ lạnh bị hỏng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ sửa chữa cho các đơn vị, từ đó bảo đảm cho hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Với nhiều nỗ lực, dưới sự chỉ đạo của ngành Y tế, các điểm tiêm không chỉ hoàn thành nhiệm vụ tiêm chủng vắc xin mà còn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch khi mà các trường hợp đi tiêm đều thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, thông điệp 5K của Bộ Y tế…
Thực tế cho thấy, cùng với hoàn thành thắng lợi chiến dịch tiêm chủng vắc xin, Thái Nguyên vẫn đang là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Tuy là tỉnh có nguy cơ với dịch vì có nhiều khu công nghiệp, trường đại học với lưu lượng người lao động, học sinh, sinh viên đến làm việc và học tập đông; có nhiều chuyên gia người nước ngoài nhập cảnh đến làm việc tại tỉnh… nhưng đến nay, Thái Nguyên chưa có bệnh nhân dương tính với COVID-19 trong cộng đồng.