Muốn đạt được miễn dịch cộng đồng phải tiêm phòng cho trên 75% dân số, như vậy, với 100 triệu dân, Việt Nam phải thực hiện tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng COVID-19 cho từ 70-75 triệu người, tương đương với 150 triệu mũi tiêm an toàn. Với gần 1,3 triệu dân, Thái Nguyên phải thực hiện tiêm đủ hai mũi vắc xin cho trên 900.000 người, tương đương hơn 1,8 triệu mũi tiêm an toàn.
Gần 2 tháng nay, làn sóng dịch COVID-19 thứ tư đã quay trở lại Việt Nam với diễn biến vô cùng phức tạp. Nhiều tỉnh, thành phố có số ca nhiễm mới trong ngày lên đến ba con số. Không ít tỉnh sau 3, 4 tuần không có ca bệnh lại xuất hiện người nhiễm SARS-CoV-2. Ngay như Thái Nguyên, sau khi trải qua 22 ngày không ghi nhận ca bệnh mới cũng đã phát hiện thêm trường hợp F0 thứ tư vào ngày 17-6. Do vậy, người dân trong tỉnh luôn đặt ra câu hỏi là bao giờ Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng để quay trở lại cuộc sống trước kia.
Theo các chuyên gia y tế, khả năng miễn dịch của cộng đồng (hay miễn dịch bầy đàn) xảy ra khi phần lớn cá thể trong cộng đồng trở nên miễn dịch với một loại bệnh, làm cho việc lây lan bệnh từ người này sang người khác khó xảy ra. Kết quả là cả cộng đồng được bảo vệ chứ không chỉ riêng những người được miễn dịch. Khả năng miễn dịch của cộng đồng có thể đạt được khi có đủ số người trong quần thể đã khỏi bệnh và đã phát triển các kháng thể bảo vệ chống lại sự lây nhiễm trong tương lai.
Tuy nhiên, có một số vấn đề lớn khi dựa vào sự lây nhiễm của cộng đồng để tạo ra khả năng miễn dịch đối với vi-rút SARS-CoV-2. Nếu để tái nhiễm, ngay cả khi cơ thể có kháng thể vẫn có thể bị nhiễm lại COVID-19. Hơn nữa, số ca nhiễm trùng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đã có hàng triệu ca tử vong trên thế giới và cả trong nước, đặc biệt là ở những người lớn tuổi, những người đang có vấn đề sức khỏe. Các chuyên gia lý giải rằng vắc xin tạo ra khả năng miễn dịch và càng nhiều người được tiêm vắc xin thì càng tiến gần đến ngưỡng miễn dịch của cộng đồng. Vì lẽ đó, việc tiêm phòng vắc xin là giải pháp giúp Việt Nam và các nước trên thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng.
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sau khi tiêm (2 mũi), tác dụng của vắc xin chưa thể phát huy ngay mà nó cần thời gian (mỗi loại vắc xin có quy định cụ thể) để có đủ lượng kháng thể chống lại vi rút. Ngoài ra, những người được tiêm vắc xin COVID-19 đủ 2 mũi, đủ thời gian vẫn có thể bị mắc COVID-19 bình thường. Lợi ích lớn nhất của việc tiêm vắc xin là giúp người bệnh (nếu mắc) tránh được diễn tiến trở nặng và hạn chế khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh.
Bởi vậy, muốn được miễn dịch cộng đồng, bên cạnh việc tiêm phòng thì để “đối phó” với đại dịch COVID-19 vẫn rất cần người dân nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang -khử khuẩn- giữ khoảng cách- khai báo y tế - không tập trung đông người).
Thực tế cho thấy, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, thế giới và trong nước chưa đáp ứng đủ nguồn cung. Việt Nam vẫn đang tập trung ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu. Riêng với Thái Nguyên, đến thời điểm này đã hoàn thành tiêm phòng đợt 1 với trên 12,6 nghìn người được tiêm mũi 1. Tỉnh đang tiếp tục triển khai tiêm phòng đợt 2 với số vắc xin được cấp là 17,4 nghìn liều, dự kiến hoàn thành vào ngày 30-6. Như vậy, đến hết quý 2-2021, Thái Nguyên mới được cấp trên 30 nghìn liều (trong tổng số vắc xin đang cần là hơn 1,8 triệu liều).
Vĩ lẽ đó, cùng với việc chờ đợi để được tiêm phòng vắc xin, người dân trong tỉnh cần thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Ông Hà Duy Hiệu, tổ 3, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nói: Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, dù chúng ta đang thực hiện mọi biện pháp để hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng nhưng tôi tin sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, sự đoàn kết của cả cộng đồng sẽ giúp chúng ta chiến thắng dịch bệnh nguy hiểm này.