Bảo quản chất lượng vaccine và vận chuyển vaccine nhanh nhất tới các điểm tiêm, bảo đảm "tiêm đến đâu an toàn đến đó" tại 19.000 điểm tiêm chủng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng là những điểm mới trong chiến dịch tiêm chủng cho khoảng 70% dân số Việt Nam, nhằm tạo ra miễn dịch cộng đồng trước đại dịch COVID-19.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 với quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông và Giao thông - Vận tải; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các bộ, ngành khác; thiết lập Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai trên quan điểm thống nhất “tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai”.
Bảo đảm an toàn tiêm chủng tại 19.000 điểm tiêm
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm chủng lần này có nhiều điểm mới so với các chiến dịch tiêm chủng trước đây.
Đầu tiên là việc thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vaccine dưới sự điều hành của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, vaccine được bảo đảm chất lượng và vận chuyển nhanh nhất từ các kho trung tâm tại các quân khu tới thẳng các điểm tiêm.
Thứ hai, Bộ Y tế thiết lập hệ thống giám sát chất lượng thông qua giám sát toàn bộ quy trình bảo quản, vận chuyển tổ chức tiêm và quản lý điều hành trực tuyến toàn bộ quá trình tiêm chủng.
Những nỗ lực đàm phán của Bộ Y tế từ giữa năm 2020 đến nay đã giúp Việt Nam có được hơn 100 triệu liều vaccine trong năm 2021 và hướng tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Riêng trong tháng 7-2021, hơn 9 triệu liều vaccine được chuyển cho Việt Nam.
Chiến dịch huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước từ Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, cả công lập và tư nhân.
Đặc biệt, trong chiến dịch này sẽ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng với việc đưa vào sử dụng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng của từng người dân và cấp hộ chiếu vaccine trong tương lai.
Theo PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chiến dịch tiêm chủng quy mô nhất từ trước đến nay diễn ra từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022, dự kiến tiêm cho 70% dân số. Hết năm 2021 sẽ có 50% dân số được tiêm.
Việt Nam có tổng số 19.000 điểm tiêm, bao gồm hơn 11.000 điểm tiêm chủng tại xã, phường và hàng nghìn điểm tiêm chủng tư nhân. Hệ thống bảo quản có thể lên tới 60 triệu liều vaccine cùng lúc. Với sự phối hợp của Bộ Quốc phòng, hiện có 8 kho quân khu bảo đảm cung cấp vaccine liên tỉnh. 63 xe đông lạnh sẽ có nhiệm vụ chuyển vaccine từ kho trung tâm đến thẳng điểm tiêm tuyến huyện để bảo đảm tiêm đúng tiến độ và việc sử dụng vaccine cũng hiệu quả nhất.
Từ kinh nghiệm của 5 đợt triển khai của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật tư, cơ sở tiêm chủng trong hệ thống y tế công và tư nhân.
Ngoài xây dựng tài liệu an toàn tiêm chủng, tập huấn đầy đủ cho các tuyến, Viện đã có sổ tay, các hướng dẫn tại chỗ cho cán bộ tiêm chủng để có hướng xử trí kịp thời. Tại các điểm tiêm chủng lưu động, Bộ Y tế bố trí sẵn đội ngũ cấp cứu đến từ các bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Bộ Y tế cũng đã tiến hành tập huấn tới ba lần cho đội ngũ cấp cứu để xử trí những phản ứng mạnh xảy ra sau tiêm chủng.
Bảo đảm triển khai tiêm chủng an toàn tại 19.000 điểm tiêm chủng cố định và lưu động trên toàn quốc.
Theo bà Hồng, Bộ Y tế cũng sẽ ban hành phác đồ mới để xử trí nếu có trường hợp nghi ngờ viêm cơ tim, rối loạn đông máu, nghi ngờ biểu hiện phản ứng mạnh.
Nhấn mạnh vai trò của công tác cấp cứu ban đầu, PGS Hồng cho hay, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hướng dẫn cán bộ y tế theo dõi sát sao các trường hợp sau khi tiêm chủng, sớm phát hiện ra triệu chứng bất thường của người dân. Đặc biệt, bà Hồng cũng lưu ý người được tiêm không nên chủ quan, dù chỉ có biểu hiện rất nhẹ như mệt mỏi nhưng cũng có thể là cơn tụt huyết áp, cần phải quay lại cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe để xử trí kịp thời, tránh xảy ra rủi ro đáng tiếc.
Việc ứng dụng đăng ký tiêm trên hệ thống phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử cũng tránh tạo ra sự tập trung đông đúc tại 1 điểm tiêm. Người dân cần phải trung thực, khai đúng, khai đủ để cán bộ y tế sàng lọc, phân loại, thực hiện tiêm chủng an toàn.
Bộ Y tế cùng các bộ quyết tâm, nỗ lực để thực hiện hiệu quả, thành công chiến dịch tiêm chủng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vaccine nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 của Việt Nam”.
Vaccine nào cũng có hiệu quả bảo vệ và tỷ lệ phản ứng phụ tương đương nhau
Ngày 14-7, GS, TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, trên cơ sở các vaccine Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 một số loại vaccine COVID-19 của các hãng Astra Zeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna, Sinopharm.
Mỗi loại sẽ lại có hướng dẫn sử dụng khác nhau về liều lượng, cách thức pha vaccine, cách thức sử dụng an toàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi vaccine được đưa tới các tỉnh, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ có hướng dẫn chi tiết cho các địa phương về cách thức sử dụng cho từng loại vaccine.
Theo GS Đức Anh, hiện nay, hướng dẫn của các nhà sản xuất vaccine đều khuyến cáo sử dụng cùng một loại vaccine phòng COVID-19 để tiêm đủ liều cho một đối tượng. Tuy nhiên, trên thực tế, trong bối cảnh nguồn cung vaccine phòng COVID-19 rất hạn chế, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vaccine tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch tiêm cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 của cùng 1 loại vaccine là rất khó khăn. Một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vaccine của Pfizer.
Theo ghi nhận nhanh tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vaccine khác loại như trên cho cùng một đối tượng vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng COVID-19. Tuy nhiên, khi tiêm 2 loại vaccine AstraZeneca và Pfizer có ghi nhận gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Tại Việt Nam, cho đến ngày 14-7, tổng số mũi tiêm đã thực hiện là hơn 4 triệu, trong đó số người được tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca là trên 3,7 triệu người, số người được tiêm đủ 2 mũi vaccine AstraZeneca là hơn 280 nghìn người.
Trong thời gian tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ các loại vaccine phòng COVID-19 của AztraZenneca, Pfizer, Morderna, Sinopharm…. để tổ chức tiêm chủng theo chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, hướng tới mục tiêu đạt được độ bao phủ vaccine cho hơn 70% người dân.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và của các nhà sản xuất, tốt nhất mỗi người cần tiêm đủ liều của cùng 1 loại vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, căn cứ số lượng vaccine được cung ứng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các địa phương như sau: “trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý”. Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng.
Bộ Y tế thiết lập hệ thống giám sát chất lượng thông qua giám sát toàn bộ quy trình bảo quản, vận chuyển tổ chức tiêm và quản lý điều hành trực tuyến toàn bộ quá trình tiêm chủng.
Theo PGS, TS Dương Thị Hồng, bất kỳ vaccine nào cũng có những phản ứng phụ như sưng, đau tại chỗ tiêm, mẩn đỏ, có phản ứng toàn thân như sốt cao, kích thích, chán ăn, buồn nôn… hay những phản ứng hiếm gặp như sốc, phản ứng phản vệ… Các vaccine này đều có hiệu quả bảo vệ như nhau từ 70% sau khi tiêm mũi 1 và lên tới 80-90% sau tiêm mũi 2, vì thế mọi người không nên có tâm lý chờ đợi và kỳ vọng tiêm một loại vaccine nào.
Về bảo đảm an toàn tiêm cho người trên 65 tuổi, bà Hồng cho biết, các địa phương sẽ tổ chức tiêm cho các đối tượng này tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xử trí và theo dõi sức khỏe. Với người dưới 18 tuổi, sau khi có được thêm những số liệu khác ngoài Mỹ và một số nước khác và khi được Tổ chức Y tế Thế giới chính thức khuyến cáo, sau tháng 4-2022 khi Việt Nam đã bao phủ 70% người dân trên 18 tuổi thì sẽ tính tiếp tiêm cho những đối tượng này.