Là bệnh viện tuyến huyện hạng II với 163 cán bộ, công tác tại 13 khoa, phòng chức năng và 1 khu điều trị phong, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Phú Bình đã từng bước cải tiến quy trình xử lý các công đoạn khám, chữa bệnh một cách khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý. Từ đó, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà để giảm phiền hà cho bệnh nhân.
Nhằm cải cách thủ tục hành chính, từ tháng 1 năm nay, Bệnh viện đã đưa Tổ Chăm sóc khách hàng - Công tác xã hội gồm 10 thành viên vào hoạt động.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Với nhiệm vụ là làm cầu nối giữa bệnh viện và người bệnh, Tổ Chăm sóc khách hàng - Công tác xã hội là nơi tiếp đón, hướng dẫn người bệnh những thủ tục cần thiết như lấy số thứ tự khám bệnh bằng máy tự động, lấy số ưu tiên cho người bệnh nặng, người già, người tàn tật….
Ngoài ra, Tổ còn hướng dẫn người bệnh, người nhà bệnh nhân làm các thủ tục nhập viện, chuyển viện, ra viện, giải đáp thắc mắc về chế độ bảo hiểm y tế, thanh toán viện phí, cận lâm sàng, thăm nuôi người bệnh, đưa đón người bệnh cấp cứu, nhập khoa, bàn giao bệnh nhân cho các khoa điều trị…
Đặc biệt, Tổ còn là nơi tiếp nhận thông tin phản ánh của người bệnh liên quan đến chế độ chăm sóc, điều trị, tinh thần thái độ của nhân viên y tế để phản ánh lên các bộ phận có thẩm quyền xem xét xử lý, giải quyết.
Theo đánh giá của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, dù mới đi vào hoạt động được 6 tháng nhưng Tổ Chăm sóc khách hàng - Công tác xã hội đã thể hiện được tính ưu việt khi giảm bớt phiền hà cũng như rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Thông qua các thành viên trong Tổ, người bệnh có thể dễ dàng tiếp cận với tất cả các dịch vụ y tế của Bệnh viện. Chị Lê Thanh Mai, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) cho biết: Khi đưa mẹ đến khám tại Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình, tôi cảm thấy rất hài lòng khi được đón tiếp chu đáo, có cán bộ hướng dẫn các thủ tục đăng ký khám, điều trị bệnh nhanh gọn, nhiệt tình.
Với mục đích đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tránh nhầm lẫn và gây áp lực cho cán bộ y tế cũng như giảm phiền hà cho người bệnh và người nhà bệnh nhân, thời gian qua, Bệnh viện Phú Bình đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh và quản lý bệnh viện.
Theo đó, Bệnh viện đã trang bị hệ thống máy vi tính có kết nối mạng LAN để thuận tiện cho việc xử lý truy xuất dữ liệu, đáp ứng yêu cầu hoạt động.
Chúng tôi được biết, khi chưa ứng dụng công nghệ thông tin, khâu tiếp nhận, đăng ký khám, trả kết quả… đều thực hiện thủ công khiến người bệnh mất nhiều thời gian khi đi khám bệnh.
Trong khi đó, cán bộ của Bệnh viện cũng không tránh khỏi những thiếu sót trong quá trình trả kết quả, thanh toán viện phí... Tuy nhiên hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, nhiều thủ tục hành chính trong quá trình khám, chữa bệnh được tinh giản.
Ông Nguyễn Ngọc Minh cho biết thêm: Việc cập nhật thông tin về tình trạng bệnh nhân đều được các khoa, phòng thực hiện qua máy tính đã giúp Bệnh viện tiết kiệm nhiều thời gian, nhân lực. Về phía người bệnh, mọi thông tin về bệnh, các lần khám, điều trị trước đều được ghi lại nên hiệu quả điều trị tốt hơn.
Không dừng lại đó, khi ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của bệnh viện, việc thanh toán viện phí, thanh toán bảo hiểm y tế cũng rất nhanh chóng vì được tích trên hệ thống máy tính. Chỉ cần nhấn phím, mọi danh mục được liệt kê công khai, thuận lợi cho bệnh nhân và cán bộ thu phí theo dõi.
Riêng đối với thẻ bảo hiểm y tế, do được mã hóa đồng bộ với hệ thống máy tính nên lưu giữ được tất cả thông tin bệnh lý của bệnh nhân. Điều đó không chỉ giúp bệnh nhân không phải chờ đợi, tăng thời gian tiếp xúc chẩn đoán của bác sĩ mà còn giúp các bác sĩ tránh được những sai sót. Đặc biệt là giúp Bệnh viện tránh được sai sót trong việc làm hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế…
Vì sự hài lòng của người bệnh, trong thời gian tới, Bệnh viện không ngừng cải cách hành chính, giảm thủ tục phiền hà, tăng cường văn hóa nghề nghiệp để nâng cao sự hài lòng của người bệnh đối với các dịch vụ y tế.
Đồng thời tiếp tục thực hiện Dự án Ứng dụng Công nghệ thông tin trong triển khai bệnh án điện tử với mục tiêu nâng cấp hệ thống mạng LAN và triển khai hệ thống PACs giai đoạn 1, bước đầu triển khai bệnh án điện tử theo lộ trình của Bộ Y tế.