Khắc khoải trông đợi, lo lắng rồi lại hi vọng… đó là tâm trạng của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Đặc biệt là các bệnh nhân nhi mắc bệnh Thalassemia-Tan máu bẩm sinh.
Thời điểm này, việc duy trì hy vọng chữa bệnh của họ hầu như phụ thuộc vào từng bịch máu hiến…
Khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, những ngày giữa tháng bao giờ cũng kín giường bệnh. Đến định kỳ truyền máu nên nhiều bệnh nhân, nhất là các em nhỏ nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, hơi thở nặng nhọc, da dẻ xanh xao.
Chị Đặng Thị Vui có con là Đặng Hồ Huy Vũ bị bệnh Tan máu bẩm sinh thở dài: Cháu năm nay 4 tuổi, phát hiện bệnh từ khi mới được 7 tháng tuổi. Từ đó đến nay, tháng nào cháu cũng phải đi truyền máu, mỗi lần tuyền từ 250-350ml máu. Nhà tôi ở xa (Phương Giao, Võ Nhai - PV) mỗi lần đi điều trị cho cháu khá vất vả. Khi chưa có dịch, lượng máu trong viện dồi dào nên được các bác sĩ truyền ngay, giờ thì phải đợi do nguồn máu khan hiếm.
Còn chị Lường Thị Thắng, có con là Lý Thị Hà Linh, 10 tuổi, nhà ở xã Tân Thịnh (Định Hóa), cùng cảnh ngộ, nói: Biết khan hiếm máu thế này nên mỗi lần chuẩn bị đến ngày đưa con xuống viện, tôi phải liên hệ trước với các nhóm từ thiện để tìm nguồn cung cấp máu cho con. Xuống đây rồi cũng chạy lên chạy xuống hỏi xin từng người để con nhanh chóng được truyền máu phục hồi sức khỏe…
Mấy ngày nay, “cư dân mạng” chia sẻ nhau về trường hợp của em Trịnh Huyền Trang, 15 tuổi, xóm Cầu Thành, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), bị bệnh Thiếu máu huyết tán đang khẩn cấp cần nhóm máu AB hoặc nhóm máu khác để đổi máu với Bệnh viện. Do ảnh hưởng của dịch nên Bệnh viện không có máu để truyền cho em. Hoàn cảnh của em éo le, bố mẹ đã mất, hiện em đang sống cùng em gái và bà ngoại.
Rất may, sau 2 ngày kêu gọi, nhiều người đến hiến máu tình nguyện, Trang đã được truyền máu kịp thời.
Theo Bác sĩ Nguyễn Quang Hảo, Trưởng Khoa Huyết học lâm sàng: Hiện nay Khoa đang quản lý, điều trị cho 20 bệnh nhân bị bệnh Tan máu bẩm sinh (trong tổng số 300 bệnh nhân Khoa đang quản lý và điều trị theo định kỳ). Bệnh nhân Tan máu bẩm sinh phải được truyền máu thường xuyên và liên tục vì đây là bệnh thiếu máu mạn tính, bẩm sinh, người bệnh sống phụ thuộc hoàn toàn vào truyền máu. Nếu được truyền máu đầy đủ thì bệnh nhân có thể sống như người bình thường còn đến định kỳ chưa được truyền thì họ sẽ mệt mỏi, kiệt sức.
Kể từ khi xảy ra dịch COVID-19, tình trạng thiếu máu để điều trị cho bệnh nhân diễn ra triền miên, lượng máu trong kho quá ít, chỉ đủ cầm cự qua ngày. Vì vậy bệnh nhân nằm ở Khoa phải mòn mỏi chờ đợi máu và thời gian điều trị phải kéo dài hơn. Khoa phải xử lý tình thế bằng cách ưu tiên những bệnh nhân lượng máu quá thấp, thiếu máu nặng.
Những bệnh nhân ổn định hơn buộc phải nằm chờ, theo dõi cho đến khi có máu mới truyền được.
Nguồn máu điều trị cho bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào lượng máu được hiến. Việc người nhà đến hiến là rất khó bởi gia đình những bệnh nhân bị Tan máu bẩm sinh đều có gien di truyền thiếu máu nên không đủ sức khỏe để hiến máu.
Điểm hiến máu “Điều ước tháng 7” được tổ chức mới đây đã góp phần kịp thời chia sẻ khó khăn với nhiều người bệnh.
Nhằm góp phần khắc phục khó khăn đó, mới đây, các thành viên Đội hiến máu cấp cứu Thái Nguyên thuộc (Câu lạc bộ Thanh niên tình nguyện Chữ thập đỏ tỉnh) liên tục có mặt tại Bệnh viện, kết nối và kêu gọi mọi người đến hiến máu.
Đặc biệt, ngày 14-7 vừa qua, Câu lạc bộ đã phối hợp với Trung tâm Huyết học -Truyền máu tổ chức Điểm hiến máu “Điều ước Tháng 7”, thu hút trên 130 sinh viên, người dân đến hiến được gần 70 đơn vị máu…
Hy vọng sẽ có nhiều hành động đẹp và việc làm ý nghĩa như thế trong bối cảnh nguồn máu rất khan hiếm như hiện nay.
Thiết nghĩ, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh và các cơ quan, đơn vị cần tăng cường xây dựng lịch hiến máu, kêu gọi người dân hiến máu cứu người trên tinh thần thực hiện đúng nguyên tắc 5K.