Cẩn trọng với dị vật đường thở ở trẻ

09:30, 03/08/2021

Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc di vật đường thở, nhất là trẻ từ 1 đến 4 tuổi. Khi thấy trẻ đột ngột ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, mặt tím tái, sau đó thở khó, ngưng thở do tắc nghẽn đường thở cấp, thở rít kèm theo ho rũ rượi hoặc cơn ho kéo dài sau đó dịu đi, chỉ còn những tiếng ho rải rác thì người lớn phải nghĩ ngay đến việc trẻ bị hóc di vật và đưa tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

Mới đây (ngày 9-7), Bệnh viện A Thái Nguyên đã tiếp nhận một bệnh nhi 4 tuổi tại xã Bình Yên (Định Hóa) có dị vật nằm trong hốc mũi. Theo gia đình, sau khi ăn quả mận, bé đã tự nhét hạt mận vào hốc mũi dẫn đến bị ngạt, chảy máu mũi. Bệnh nhi đã được các bác sĩ Khoa Tai - Mũi - Họng thăm khám và tiến hành lấy dị vật bằng phương pháp gây tê tại chỗ do dị vật nằm rất sâu trong hốc mũi.

Ngoài bệnh nhân nêu trên, vào giữa tháng 12-2020, Bệnh viện A Thái Nguyên cũng đã tiếp nhận một nữ bệnh nhi 3 tuổi ở Phú Lương, nuốt phải đồ chơi. Trước ngày vào viện, bệnh nhi đã ngậm vòng sắt chơi rồi nuốt. Sau đó, trẻ ăn kém, đau bụng, mệt mỏi, gia đình đưa đến bệnh viện huyện Phú Lương chụp X quang thì phát hiện có một dị vật cản quang trong thực quản. Bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị và được nội soi gây mê gắp dị vật là một vòng kim loại đường kính khoảng 15mm có gờ sắc.

Theo các bác sĩ Khoa Tai - Mũi - Họng  (Bệnh viện A Thái Nguyên), dị vật đường thở là bệnh thường gặp trong cấp cứu Tai - Mũi - Họng, đặc biệt hay gặp ở trẻ em.

Trẻ khi chơi thường nghịch ngợm nhét những vật dụng, thực phẩm vào mũi như: Nút nhựa, nút áo, hạt đậu, hạt mận... gây ra dị vật ở mũi hoặc tự nuốt và mắc ở thực quản. Đa số các trường hợp dị vật trong mũi và khoang mũi, đường tiêu hóa… không nghiêm trọng và có thể trì hoãn việc lấy dị vật.

Tuy nhiên, một số vật tắc trong mũi có khả năng di chuyển xuống miệng và có nguy cơ bị nuốt phải, thậm chí bị hít vào đường thở gây dị vật đường thở. Dị vật trong mũi để lâu sẽ gây viêm loét mũi, viêm mũi xoang.

Với những dị vật có chứa hóa chất, như pin điện tử cần lấy ngay trong vòng 4 giờ. Nếu để lâu sẽ gây loét niêm mạc, chảy máu, thủng vách ngăn mũi, gây sẹo co kéo…. Với dị vật đường thở khác (dị vật ở thanhh quản, khí quản), nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong do ngạt thở cấp, viêm phế quản; xẹp phổi, áp xe phổi, tràn mủ màng phổi do áp xe vỡ vào màng phổi; tràn khí màng phổi, trung thất; giãn phế quản do dị vật bỏ quên lâu ngày...

Do đó, khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như khó thở, chảy nước mũi nhiều và đặc biệt là chảy máu; trẻ biếng ăn, đau bụng, mệt mỏi, trước đó có ngậm các loại đồ chơi… thì cha mẹ hãy kiểm tra xem trong mũi, họng của bé có gì lạ hay không hoặc nghĩ đến nguy cơ trẻ nuốt đồ chơi xuống dạ dày.

Nếu phát hiện trẻ bị dị vật trong mũi, họng, cần đưa đến khám chuyên khoa tai- mũi- họng của cơ sở y tế gần nhất để được gắp dị vật càng sớm càng tốt. Nếu để muộn, việc lấy dị vật sẽ khó khăn hơn và gây biến chứng viêm mũi, họng hoặc tổn thương đường tiêu hóa.

Ngoài ra, cha mẹ cần dạy bé nhận thức được việc nhét đồ vật vào mũi, ngậm đồ chơi trong miệng… là nguy hiểm. Phải quan sát các hoạt động vui chơi của trẻ, nhất là không cho trẻ nhỏ chơi với các loại đồ chơi có pin điện tử vì tính chất ăn mòn axit của pin rất nguy hiểm. Đặc biệt, không cho trẻ chơi những đồ chơi có kích thước nhỏ mà trẻ có thể ngậm và nuốt được; không để đồng xu, các mảnh vụn đồ chơi, vật tròn, nhỏ trong nhà; tháo pin ra khỏi đồ chơi; tách hạt ra khỏi quả khi cho bé ăn.

Không nên ép trẻ ăn trong lúc khóc, lúc cười, cắt những thức ăn cứng hoặc thức ăn có dạng tròn thành những miếng mỏng hoặc mẩu nhỏ sao cho chúng không thể kẹt trong khí quản của trẻ...