Sáng 28-9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Phùng Đức Tiến và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, góp ý vào dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan (ảnh).
Từ năm 2017 đến tháng 8-2021, có 41 tỉnh, thành trong cả nước phát hiện, xử lý trên 15 nghìn con chó mắc bệnh dại (chiếm 0,04% tổng đàn). Đây đều là các ổ dịch đơn lẻ, xuất hiện rải rác ở các địa phương, không lây lan ra diện rộng. Tỷ lệ đàn chó được tiêm phòng vắc-xin đã tăng từ 38,5% lên 49,2% (tổng đàn trung bình 7,5 triệu con/năm).
Bên cạnh đó, cả nước đã có 378 trường hợp tử vong vì bệnh dại (giảm 64 ca so với giai đoạn 2012-2016), số người đi điều trị dự phòng do bị chó, mèo cắn tăng 28%. Trung bình mỗi năm, cả nước có hơn 113,5 nghìn người đi điều trị dự phòng do bị phơi nhiễm với bệnh dại do chó, mèo cào, cắn, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Đối với Thái Nguyên, đàn chó toàn tỉnh hiện có hơn 231 nghìn con, tỷ lệ tiêm phòng đạt 54% so với tổng đàn. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có 16 người tử vong do bệnh dại.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ ra nguyên nhân chỉ tiêu tiêm phòng vắc-xin trên đàn chó tại một số địa phương đạt thấp là do ý thức của người chăn nuôi còn hạn chế; trách nhiệm của chính quyền một số địa phương chưa cao; dịch COVID-19 ảnh hưởng đến công tác tiêm phòng… Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 và mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại (28-9).
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp - PTNT và Bộ Y tế nhấn mạnh, mặc dù đã được kiểm soát tốt hơn giai đoạn trước nhưng hằng năm, cả nước vẫn còn có người tử vong vì bệnh dại. Số người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng cũng đã gây tổn thất lớn về sức khỏe và kinh tế. Vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại.
Cùng với đó, triển khai thực hiện nghiêm công tác quản lý đàn chó, mèo; đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin, xử lý bệnh dại theo quy định của Luật Thú y… nhằm đạt mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo và phấn đấu đến năm 2030, không có người tử vong vì bệnh dại.