Với 4 huyện miền núi, 1 huyện vùng cao, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 384.000 người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Trong đó, có hơn 2.100 hộ người dân tộc Mông sinh sống ở địa bàn miền núi, vùng cao. Khoảng 15 năm trước, với suy nghĩ “trời sinh voi, sinh cỏ”, nhiều cặp vợ chồng người DTTS trên địa bàn vẫn sinh nhiều con, sinh dày và kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật…
Tuy nhiên, nhờ các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đến nay, đa số các hộ đồng bào DTTS trong tỉnh đã ý thức được tầm quan trọng của kế hoạch hóa gia đình, sinh đẻ có kế hoạch để tập trung nuôi dạy con tốt, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh, Võ Nhai có khá đông đồng bào DTTS sinh sống. Trước đây, Võ Nhai là địa phương có nhiều cặp vợ chồng tảo hôn, sinh nhiều con… Theo đó, nhiều cặp vợ chồng người DTTS lớn tuổi do tâm lý e ngại không đến trạm y tế xã để được tư vấn các biện pháp tránh thai nên đã xảy ra tình trạng sinh con ngoài ý muốn.
Bác sĩ Lương Văn Long, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Dân Tiến (Võ Nhai) cho rằng: Phụ nữ sinh con quá sớm hoặc quá muộn (khi tuổi đã cao), sinh dày, sinh nhiều… không chỉ để lại những hậu quả về sức khỏe và tâm lý đối với bà mẹ, trẻ em mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Với sự chủ động của chính quyền địa phương và các ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, vận động nên hiện nay, những tồn tại cố hữu này ở Võ Nhai đã dần được thay đổi. Nhận thức của nhiều bà mẹ trẻ, nhiều cặp vợ chồng về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) trên địa bàn huyện Võ Nhai đã được nâng lên rõ rệt.
Ông Hoàng Công Truyện, Trưởng bản Đòng Giong, xã Phương Giao (Võ Nhai), nói: Chuyển biến rõ nét nhất trong công tác Dân số, KHHGĐ ở địa phương phải kể đến là hầu hết các cặp vợ chồng đã kết hôn đúng độ tuổi pháp luật cho phép; không sinh con quá dày và số trường hợp sinh con thứ ba trở lên giảm rõ rệt.
Võ Nhai không phải là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả đáng khích lệ như thế này. Ông Đinh Ngọc Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho rằng: Để đạt được kết quả này, cùng với sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, các hội, đoàn thể, còn có sự vào cuộc tích cực của lực lượng cán bộ làm công tác dân số, KHHGĐ. Hằng năm, chúng tôi thường xuyên triển khai các đợt chiến dịch truyền thông tăng cường lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao.
Chỉ tính riêng 9 tháng qua, Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh đã tổ chức triển khai chiến dịch truyền thông quy mô khá lớn đến đến 6/8 huyện, thành, thị có mức sinh cao của tỉnh. Qua đó đã có trên 3.000 lượt người được cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Qua triển khai chiến dịch truyền thông tăng cường lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ, sự nhìn nhận cũng như kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ của người dân, đặc biệt là người DTTS ở vùng sâu, xa, còn nhiều khó khăn của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Trong đó, quan niệm về hôn nhân, gia đình và sinh đẻ có kế hoạch của bà con đã có chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều người chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại, các cặp vợ chồng trẻ kết hôn đúng độ tuổi... Kết quả thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, KHHGĐ trên địa bàn tỉnh 9 tháng qua đạt hơn 92 % kế hoạch giao.
Nhận thức về công tác dân số, KHHGĐ nâng lên đồng nghĩa với việc chất lượng dân số cũng được nâng cao; trình độ dân trí, hiểu biết của người dân về thực hiện biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số, KHHGĐ được cải thiện…Thực tế này cho thấy, chính sách Dân số, KHHGĐ đang thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi cách nghĩ, hành động và hành vi của các cấp, ngành, đặc biệt là người dân - những trường hợp đang nằm trong độ tuổi sinh đẻ ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, xa, vùng cao.