Sau gần 1 tuần được cấp cứu, điều trị tích cực tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, hiện nay, nam bệnh nhân ở xã Phương Giao (Võ Nhai) bị rắn hổ mang chúa cắn đã hoàn toàn tỉnh táo trở lại (ảnh).
Trước đó, bệnh nhân được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, sụp mi, đau họng, nói khó, há miệng hạn chế, ứ đọng đờm dãi, liệt cơ hô hấp rất nhanh và rối loạn nhịp tim nặng.
Bệnh nhân đã được các y, bác sĩ sơ cứu, đặt nội khí quản, thở máy, sử dụng các loại dịch truyền, thuốc vận mạch, kháng sinh, phòng uốn ván…
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Duy Đạo, Khoa Cấp cứu khuyến cáo: Người dân nếu không may bị rắn cắn, cần băng ép vùng chi bị cắn bằng băng vải hoặc băng tự tạo từ quần áo, băng tương đối chặt nhưng vẫn sờ thấy mạch đập. Sau đó, bất động tay, chân bị cắn bằng nẹp cứng (miếng gỗ, tre, bìa cứng…), để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim.
Nếu bị rắn độc cắn ở tay hoặc chân thì để thõng, không tự đi lại hoặc vận động, gọi người xung quanh hỗ trợ đưa đến cơ sở y tế gần nhất để để được xử trí kịp thời (kể cả khi vết cắn không đau, không chảy máu). Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không lấy lá thuốc, dùng hòn đá chữa rắn cắn hoặc, chích rạch, gây điện giật…