Nhằm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, hiện nay, Sở Y tế đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành, thị trong tỉnh chuẩn bị những điều kiện về nguồn nhân lực, vật lực để thành lập và kích hoạt các trạm y tế lưu động khi cần thiết. Theo đó, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, mỗi địa phương (xã, phường, thị trấn) sẽ thành lập ít nhất 1 trạm y tế lưu động.
Tại huyện Đại Từ, công tác chỉ đạo về việc thành lập các trạm y tế lưu động ở cơ sở được đặc biệt quan tâm. Ông Lê Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã nhận được một số văn bản của Sở Y tế chỉ đạo về việc thành lập và triển khai nhiệm vụ của các trạm y tế lưu động. Theo đó, Trung tâm cũng đã chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn rà soát cơ sở vật chất, con người… để thành lập trạm y tế lưu động khi có yêu cầu.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ngay từ trung tuần tháng 9, Trạm Y tế xã Bản Ngoại (Đại Từ) đã chủ động xây dựng phương án thành lập thêm 2 trạm y tế lưu động. Bác sĩ Chu Minh Đức, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bản Ngoại nói: Khi có yêu cầu thành lập trạm y tế lưu động, chúng tôi dự kiến huy động thêm 12 người (ngoài số cán bộ y tế hiện có của Trạm) là cán bộ y tế đã nghỉ hưu đang sinh sống tại địa phương, nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng… tham gia vào hoạt động của trạm.
Tương tự, tại Trung tâm Y tế T.X Phổ Yên, công tác chỉ đạo cho việc thành lập các trạm y tế lưu động ở tuyến cơ sở cũng đã được triển khai. Bác sĩ Nguyễn Thị Liệu, Phó Giám đốc Trung tâm cho hay: Chúng tôi yêu cầu mỗi xã, phường, thị trấn thành lập thêm 2 trạm y tế lưu động. Về cơ sở vật chất, vật tư y tế, các địa phương đều có thể chủ động được. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc huy động nguồn nhân lực tham gia vào các hoạt động của trạm y tế lưu động. Hiện, số lượng y, bác sĩ trên địa bàn khan hiếm nên chúng tôi dự kiến huy động lực lượng y tế của các bệnh viện, phòng khám tư nhân, cán bộ y tế đã nghỉ hưu tham gia khi các trạm y tế lưu động được yêu cầu “kích hoạt”.
Thực tế cho thấy, đến thời điểm này, dù Thái Nguyên đang nằm trong vùng xanh nhưng các địa phương vẫn chủ động để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống của dịch ở cấp độ cao nhất khi đã chuẩn bị các điều kiện cho việc thành lập trạm y tế lưu động.
Các địa phương trong tỉnh đều có phướng án tận dụng nền tảng hạ tầng sẵn có trên địa bàn như nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng, các phòng khám tư nhân... để làm trụ sở hoạt động của trạm y tế lưu động.
Dự kiến, mỗi trạm y tế lưu động sẽ bố trí một phòng khám bệnh thông thường, khu vực lấy mẫu xét nghiệm, khu vực hành chính, khu vực lưu trữ thuốc, khu vực để bình oxy, trang thiết bị... và nơi nghỉ ngơi cho nhân viên theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 178 trạm y tế. Nhằm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, ngoài việc chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã thành lập tối thiểu mỗi xã, phường, thị trấn 1 trạm y tế lưu động. Chúng tôi yêu cầu tuỳ vào tình hình thực tế của dịch, các địa phương sẽ tiếp tục bổ sung trạm y tế lưu động, đáp ứng mỗi trạm đảm nhiệm từ 50 đến 100 bệnh nhân.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các trạm y tế lưu động có chức năng triển khai mọi hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao; theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà và tại cộng đồng; xét nghiệm COVID-19, tổ chức cách ly F0 tại nhà hoặc nơi cách ly tập trung, hướng dẫn xét nghiệm bằng test nhanh…