Dinh dưỡng tốt nhất cho F0 điều trị tại nhà

09:20, 11/01/2022

F0 điều trị tại nhà cần lưu ý bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối về cả năng lượng và các vi chất dinh dưỡng theo nhu cầu của từng nhóm tuổi, tình trạng bệnh và khả năng dung nạp nhằm phòng ngừa teo cơ, suy dinh dưỡng.

Câu hỏi: F0 điều trị tại nhà cần lưu ý những gì về dinh dưỡng để có sức đề kháng tốt nhất, nhanh khỏi bệnh?

Trả lời:

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam:

F0 điều trị tại nhà cần lưu ý bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối về cả năng lượng và các vi chất dinh theo nhu cầu của từng nhóm tuổi, tình trạng bệnh và khả năng dung nạp nhằm phòng ngừa teo cơ, suy dinh dưỡng và tuân theo các nguyên tắc sau: Ăn bình thường với đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm để duy trì thể trạng, thể chất bình thường.

Bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, đặc biệt là khi ăn giảm sút do sốt, ho, mệt mỏi... Ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc.., đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng.

Ăn tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (như tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng. Ăn bổ sung nhiều thực phẩm có chứa các vitamin nhóm B. Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.

Bảo đảm đủ và đa dạng các nhóm thực phẩm bao gồm: Nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm.

F0 cần hạn chế tối đa tình trạng bỏ bữa, cần ăn đủ 3 bữa chính và tăng cường thêm các bữa phụ. Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường <10% tổng năng lượng ăn vào).

Không kiêng khem thực phẩm nếu không có dị ứng thực phẩm hoặc theo lời khuyên riêng của bác sỹ. Người có thể trạng gầy cần bổ sung thêm các thực phẩm có nhiều năng lượng và protein như sữa và các sản phẩm từ sữa.

Bên cạnh việc bảo đảm cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, F0 cũng cần được bảo đảm cung cấp một chế độ dinh dưỡng an toàn bao gồm: Tránh đồ ăn, uống có nhiều đường, nhiều muối, rượu, bia. Thực phẩm phải bảo đảm an toàn, vệ sinh.

Không dùng thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng. Bảo đảm vệ sinh khi chế biến thực phẩm. Luôn rửa tay trước và sau khi chế biến thực phẩm. Sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cần theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.

Thực phẩm nên dùng:

- Gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn,…

- Các loại hạt: Đậu đỗ, vừng, lạc…

- Sữa và các sản phẩm từ sữa: Sữa bột, sữa tươi, sữa chua…

- Thịt các loại, cá, tôm…

- Trứng và các sản phẩm từ trứng: Trứng gà, trứng vịt, trứng chim cút…

- Dầu thực vật, dầu oliu, dầu cá,…

- Các loại rau: Đa dạng các loại rau.

- Quả tươi: Ăn đa dạng các loại quả

Hạn chế dùng:

- Mỡ động vật, phủ tạng động vật.

- Các thực phẩm chứa nhiều muối (đồ hộp, dưa muối, cà muối...).

- Các loại nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt.

- Các chất kích thích như: Rượu, bia, cà phê, thuốc lá.