Thần tốc hơn nữa trong thực hiện tiêm vắc-xin phòng COVID-19

13:20, 20/01/2022

Ngày 20-1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước để triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị. Tại điểm cầu Thái Nguyên có sự tham dự của đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường thực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan (ảnh).

2021 là năm đã để lại nhiều dấu ấn khó quên đối với ngành Y tế Việt Nam. Trong đó đáng lưu ý là sự bùng phát của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 với tốc độ lây lan nhanh và khốc liệt nhất. Kéo theo đó, T.P Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đã trở thành tâm dịch với số ca mắc lên đến 5 con số. Đây cũng là năm nước ta huy động tổng lực nhân sự ngành Y tế lớn nhất trong lịch sử để hỗ trợ các địa phương chống dịch. Cụ thể, toàn ngành đã huy động 1.533 đội lấy mẫu xét nghiệm, 1.109 đội tiêm vắc-xin, thành lập 32 bệnh viện dã chiến (với tổng quy mô 42.798 giường) và chuyển đổi công năng 64 bệnh viện (với quy mô 17.062 giường); huy động hơn 25.000 nhân viên y tế tăng cường công tác điều trị tại các tỉnh phía Nam.

Ngoài ra, 2021 cũng là năm diễn ra chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất từ trước đến nay. Đến thời điểm này, Việt Nam đã tiêm được trên 168 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân, về đích trước 6 tháng so với mục tiêu hơn 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản do WHO khuyến cáo.

Cùng với đó, ngành Y tế cũng đã chủ động các phương án điều trị, trong đó tăng cường năng lực (về nhân lực, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm...), thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, thành lập trạm y tế lưu động để cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, tại nhà... Hiện nay, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19 và chuyển sang giai đoạn thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh. Tuy số ca mắc còn ở mức cao nhưng số ca tử vong mỗi ngày đã giảm xuống còn hơn 200 ca (giảm trên 100 ca so với thời điểm đỉnh dịch).

Đối với ngành Y tế Thái Nguyên, năm qua, các đơn vị cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ, Thái Nguyên vẫn kiểm soát dịch khá tốt và đang được đánh giá ở Cấp độ 1 của dịch (tương ứng vùng xanh); vừa chống dịch, vừa thực hiện hiệu quả công tác khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Kết quả khảo sát độc lập sự hài lòng của người dân với dịch vụ y tế công tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện năm 2021của Thái Nguyên đạt trên  91%...

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hiện nay, số ca nhiễm COVID-19, ca chuyển nặng, ca tử vong của T.P HCM - nơi từng là tâm dịch lớn nhất của cả nước đã giảm xuống thấp. Đạt được kết quả này là nhờ có vắc-xin. Vì thế, thời gian tới, chúng ta cần tập trung thần tốc hơn nữa trong thực hiện tiêm vắc-xin để có cơ sở mở cửa an toàn... Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo các cấp, ngành chức năng phải có chính sách đãi ngộ trong đào tạo cũng như thu hút nguồn nhân lực cho ngành Y tế; thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư cho y tế; chống tham những trong lĩnh vực y tế…