Đề xuất tạm dừng công bố ca COVID-19, một số trường hợp F0, F1 có thể đi làm trong thời gian cách ly

09:29, 06/03/2022

Bộ Y tế đề xuất tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang vì số ca nhiễm chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh; đề xuất đi làm cho trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly.

Ngày 5-3 Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Bộ Y tế, từ ca nhiễm đầu tiên đến nay, cả nước đã ghi nhận 4.059.262 ca mắc, 2.589.436 người đã khỏi bệnh (63,8%), 40.609 ca tử vong. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9%, số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Tỷ lệ chết/mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%).

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, do tỷ lệ bao phủ vaccine trên phạm vi toàn quốc cao và nhóm nguy cơ cao được chăm sóc, nên tỷ lệ tử vong/số ca nhiễm giảm sâu. Cụ thể, tỷ lệ chết/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%); ngày 1/2 là 0,9% và ngày 3/3 là 0,1%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 198% nhưng số ca tử vong giảm 47%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43%.

Đề xuất chưa coi COVID-19 là bệnh "lưu hành"

Về đề xuất coi COVID-19 là "bệnh đặc hữu", Bộ Y tế cho hay cần đáp ứng được bốn tiêu chí: Tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiệm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; dịch bệnh xảy ra ở một nhóm hoặc quần thể dân số trên địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc bệnh ổn định và dự báo được.

Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch và lo ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus. Nhiều nước vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Theo Bộ Y tế, trong nước, tỷ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước, nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao trên dưới 100 ca/ngày. Số người tử vong do COVID-19 hàng ngày cao hơn cả số tử vong cao điểm hàng năm do bệnh dại hoặc sốt xuất huyết, sởi.

Các chuyên gia và quốc gia đang thảo luận, đề xuất coi COVID-19 là "bệnh lưu hành" (endemic). Bộ Y tế đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, chuyên gia của WHO, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ về vấn đề này.

Qua đó, Bộ Y tế cho rằng, COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang "bệnh lưu hành". Tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương. Số ca tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây.

Virus liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện biến thể phụ có thể né miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Vì vậy, thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành". Bộ tiếp tục phối hợp với WHO và các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus để tham mưu Thủ tướng quyết định coi COVID-19 là bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp.

Theo Bộ Y tế, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 218/QĐ-BYT để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; Căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.

Bộ Y tế xin ý kiến Ban Chỉ đạo cho phép tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Đề xuất bỏ cách ly F1 tiêm đủ liều vaccine

Trong báo cáo này, Bộ Y tế đề xuất F1 chỉ tự theo dõi sức khỏe 10 ngày, nếu đáp ứng một trong các điều kiện: Đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19, liều cuối cùng ít nhất 14 ngày; từng là F0 khỏi bệnh trong ba tháng. F1 xét nghiệm PCR hoặc test nhanh vào ngày thứ 5, kể từ thời điểm tiếp xúc F0.

Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, F1 tuân thủ 5K, không tiếp xúc với người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền; người trên 50 tuổi; phụ nữ có thai). F1 chưa tiêm đủ liều vaccine COVID-19, cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 5 ngày; xét nghiệm một lần.

Đề xuất của Bộ Y tế đã có nhiều điều chỉnh về biện pháp cách ly F1 so với quy định hiện hành. Hồi tháng 2, Bộ Y tế quy định F1 đã tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc là F0 khỏi bệnh trong ba tháng, phải cách ly 5 ngày. F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine COVID-19 phải cách ly 7 ngày; tự theo dõi sức khỏe 3 ngày tiếp theo.

Đề xuất đi làm cho trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly

Theo đề xuất của Bộ Y tế, người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), tự nguyện tham gia làm việc.

Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người chung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Đối với những người được bố trí thực hiện các công việc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2; không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).

WHO khuyến cáo việc cách ly có thể được rút ngắn xuống còn 7 ngày đối với một nhân viên y tế tiếp xúc không có triệu chứng và xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7 hoặc 10 ngày sau khi phơi nhiễm mà không cần xét nghiệm.

Ngoài ra, khi hệ thống y tế đang phải chịu áp lực rất lớn vì lượng bệnh nhân quá cao và khi nhiều nhân viên y tế nghỉ việc do phơi nhiễm hoặc nhiễm trùng, thì những nhân viên y tế đã từng bị phơi nhiễm nguy cơ cao nhưng đã được tiêm nhắc lại hoặc đã khỏi bệnh SARS-CoV-2 trong vòng 90 ngày có thể tiếp tục hoạt động mà không cần cách ly nếu không có triệu chứng.

Trong trường hợp này, F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.

Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

Đối với những người có tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (trường hợp F1), nếu chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp.

Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

F1 được tham gia thực hiện các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Nếu đến cơ quan làm việc, F1 cần được bố trí khu vực riêng, bảo đảm khoảng cách, thoáng khí; không tập trung đông. F1 được di chuyển bằng phương tiện cá nhân từ nhà đến nơi làm việc; quá trình di chuyển không tiếp xúc với cộng đồng; đeo khẩu trang...

Thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc phát hiện kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nêu trên để phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý y tế đối với trường hợp mắc COVID-19 theo quy định.

Đối với người nhập cảnh

Cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RTPCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 24 giờ (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh về Việt Nam.

Trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh), người nhập cảnh thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi): Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính thì được rời khỏi nơi lưu trú nhưng phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K và các biện pháp phòng chống dịch khác của địa phương. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời theo quy định.

Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 đều được tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.