Sáng 10-3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022” với gần 100 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên có lãnh đạo Sở Y tế, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể liên quan (ảnh).
Theo đánh giá thực trạng công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe giai đoạn 2020- 2021, những vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực này gồm: Quảng cáo sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh; quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo…
Qua rà soát trên các báo, đài, website, mạng xã hội cũng như nhận được thông tin từ người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát hiện 197 trường hợp sản phẩm vi phạm quy định về quảng cáo. Trong 2 năm 2020-2021, Cục đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 76 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 3,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy, cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý. Với các trường hợp này, Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo trên website của Cục (vfa.gov.vn) và thông báo để các cơ quan truyền thông đăng tải thông tin; chuyển Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) các website, đường link quảng cáo vi phạm để phối hợp xác định chủ thể 375 đường link, trong đó có 67 đường link facebook…
Đối với Thái Nguyên, hiện trên địa bàn tỉnh không có cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có 12 cơ sở chuyên kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe được kinh doanh phổ biến tại các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn. Giai đoạn 2020-2021, Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm chưa phát hiện và xử lý đối với vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng nào.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, cơ quan quản lý theo chức năng nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong quản lý hoạt động quảng cáo hàng hóa thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và đăng công khai thông tin của các đơn vị vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị chủ quản tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý quyết liệt những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe của các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thuộc lĩnh vực mình quản lý. Các cơ quan báo, đài truyền hình và phát thanh chỉ được tiến hành quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi đã được thẩm định nội dung và được xác nhận…