Y tế cơ sở “gồng mình” chống dịch

06:38, 11/03/2022

Gần 2 tháng qua, cũng giống như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, số ca mắc COVID-19 ở Thái Nguyên tăng cao. Đi cùng với những áp lực của y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, 178 trạm y tế xã, phường, thị trấn cũng phải “gồng mình” chống dịch. Từ ngày 11-1, các trường hợp F0 nhẹ, không triệu chứng được điều trị tại nhà, cán bộ y tế cơ sở lại càng thêm vất vả. Dù vậy, với tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết, họ vẫn miệt mài làm việc không kể sớm, khuya…

Quá sức nhưng không được kiệt sức

Những ngày này, khi số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, 9 cán bộ của Trạm Y tế thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) hầu như không có phút giây nghỉ ngơi. Với họ, công việc bây giờ không tính theo giờ hành chính mà phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh ở địa phương. Có những ngày, Hùng Sơn ghi nhận hơn 200 ca mắc COVID-19, kéo theo đó là các trường hợp F1 cần được rà soát, thống kê, ra quyết định cách ly, theo dõi, điều trị... Và cứ thế cả “núi việc” họ phải thực hiện kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Nhất là khi nhiều thành viên của Trạm đang là lực lượng nòng cốt của trạm y tế lưu động trên địa bàn.

Đặc biệt, từ khi Tổ công tác, hỗ trợ điều trị COVID-19 tại cộng đồng ở địa phương được kích hoạt (từ trung tuần tháng 2), các cán bộ của Trạm càng phải làm việc với cường độ cao hơn. Bác sĩ Ngô Thị Nụ, Trạm trưởng Trạm Y tế Hùng Sơn chia sẻ: Có những ngày, tôi tiếp nhận hơn 200 cuộc điện thoại của người dân để nhờ tư vấn tình hình sức khỏe do bị nhiễm COVID-19, cách uống thuốc trong điều trị bệnh, những việc cần làm trong thời gian cách ly, hay chỉ đơn giản thắc mắc về việc chưa có quyết định cách ly…

Điện thoại của chị Nụ và các nhân viên y tế lúc nào cũng “nóng” lên nhưng ai cũng ân cần, nhẹ nhàng giải thích, hướng dẫn cụ thể cho người dân. Khó khăn về nhân lực, quá tải trong công việc, thường xuyên phải trực 24/24 giờ mỗi ngày; có những ngày cán bộ của Trạm phải thực hiện lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ, người nhiễm COVID-19 và các trường hợp F1 đến khuya, rồi những hôm phải thức nhập dữ liệu lên phần mềm Bảo hiểm y tế trắng đêm nhưng họ luôn tâm niệm, mình phải cố gắng để không bị kiệt sức.

Tương tự, tại Trạm Y tế phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), hiện, mỗi ngày ghi nhận gần 200 ca mắc COVID-19, trong khi đơn vị chỉ có 5 cán bộ. Bởi vậy, hôm nào họ cũng phải làm việc từ sáng đến tận tối mịt.

Ngoài Trạm Y tế thị trấn Hùng Sơn và Trạm Y tế phường Túc Duyên, tất cả các trạm y tế trên địa bàn tỉnh cũng đang lâm vào tình trạng quá tải khi lực lượng ít, công việc nhiều. Anh Hoàng Trung Thông, Trạm Y tế xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), cho hay: Dịch bệnh gia tăng, y tế từ tuyến tỉnh, huyện đến xã đều vất vả như nhau. Vì lẽ đó, phải làm việc quá tải nhưng chúng tôi vẫn luôn động viên nhau cùng cố gắng. Mong rằng, sự nỗ lực của chúng tôi sẽ góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Chính sự nỗ lực hết mình của cán bộ y tế cơ sở đã góp phần giúp Thái Nguyên điều trị thành công cho hơn 100 nghìn trường hợp mắc COVID-19 tại nhà. Con số này sẽ tiếp tục được tăng lên trong thời gian tới.

Sự hy sinh đáng quý

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 4-3 đến nay, đơn vị đã phân bổ 10 nghìn bộ quần áo bảo hộ chống dịch cấp độ 3 và cấp độ 2; 12,2 nghìn khẩu trang y tế và 10 nghìn khẩu trang N95 cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức như hiện nay, số đồ bảo hộ này chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu cho cán bộ y tế. Hơn thế, lực lượng y tế cơ sở cũng chỉ nhận được số bảo hộ rất “khiêm tốn” trong số này.

Lực lượng y tế cơ sở đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đồ bảo hộ lao động như: Bộ quần áo bảo hộ chống dịch cấp độ 3; khẩu trang N95… Làm việc trong môi trường đậm đặc vi rút SARS-CoV-2, ngày ngày phải thường xuyên tiếp xúc với người bệnh nên việc thiếu bảo hộ lao động ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động chuyên môn và sức khỏe của cán bộ y tế. Nhiều cán bộ y tế tuyến cơ sở có nguy cơ phơi nhiễm hoặc đã nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Đơn của như Trạm Y tế xã Phúc Thuận (Phổ Yên) và Trạm Y tế phường Túc Duyên đều có 2 cán bộ bị nhiễm bệnh…

Đáng nói, dù nhiễm bệnh nhưng chỉ sau vài ngày điều trị, họ đã quay lại đơn vị để hỗ trợ đồng nghiệp. Nhiều người từ khi xét nghệm cho kết quả dương tính cho đến lúc khỏi bệnh vẫn không có ngày được nghỉ ngơi. Y sĩ Trần Thị Hồng Huệ, Trạm Y tế phường Túc Duyên là một người như thế. Chị cho hay: Nguồn nhân lực của Trạm có hạn, nếu tôi nghỉ thì các đồng nghiệp sẽ rất vất vả, bởi vậy, còn gắng sức được tôi sẽ nỗ lực hết mình.

Sẻ chia của những y, bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở làm chúng tôi cảm động. Đã lâu rồi, hơn 2.500 cán bộ y tế tuyến xã của tỉnh không có được những phút giây đoàn tụ bên người thân theo đúng nghĩa “sum họp”; không ít người đi làm từ sáng sớm đến khi con ngủ mới trở về; thậm chí có những người cả tuần nay không có thời gian về qua nhà…  Tuy nhiên, họ không than vãn về những vất vả của bản thân. Họ chỉ có một mong muốn duy nhất là dịch bệnh nhanh chóng qua đi để người dân được quay trở lại với nhịp sống yên bình trước đây.

Có thể thấy, là tuyến y tế gần dân nhất, thời gian qua, cùng với các đơn vị, lực lượng trên địa bàn tỉnh, trạm y tế các xã, phường, thị trấn đã nỗ lực phát huy vai trò, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ công tác phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân...