Bộ Y tế vừa có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2002.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự gia tăng cục bộ tại một số địa phương các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm khác.
Trong thời gian tới, thời tiết khí hậu nóng ẩm cùng với việc giao lưu đi lại,... là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh tiếp tục gia tăng, bùng phát, đặc biệt là các bệnh như: Sốt xuất huyết, tay châm miệng, tiêu chảy do virus rota, lỵ, thương hàn, viêm não do virus, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, bạch hầu, ho gà,... và có thể bùng phát dịch bệnh.
Để chủ động phòng, chống, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng; Bộ Y tế đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy do virus rota viêm não, bạch hầu, ho gà... và các dịch bệnh mùa Hè khác trên địa bàn, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.
Đồng thời tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch như giám sát phát hiện sớm, xét nghiệm, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả... gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội; chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch như triển khai chiến dịch vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn nguy cơ cao, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ, nhà trẻ mầm non; giám sát chặt chẽ, xử lý ổ dịch kịp thời, cấp cứu điều trị người mắc bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với các bệnh dịch có vaccine phòng bệnh như sởi, rubella, bạch hầu, ho gà,... tăng cường chỉ đạo tổ chức triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng bổ sung và tiêm vét ngay từ các tháng đầu năm 2022, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 90% theo quy mô xã, phường và sử dụng hiệu quả nguồn vaccine.
Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các địa phương triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; tập trung triển khai công tác tiêm chủng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.
Sở thông tin và truyền thông phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan truyền thông tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và phát triển để phòng chống bệnh sốt xuất huyết; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình...
Bộ Y tế cũng yêu sở giáo dục và đào tạo các địa phương chủ động phối hợp với ngành y tế để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh trong trường học, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện cho người chăm sóc trẻ, trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các địa phương giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch.