Từ đầu tháng 4 trở lại đây, số ca mắc COVID-19 mới ở Thái Nguyên giảm mạnh. Sau những chuỗi ngày “căng mình” chống dịch, hơn 4.000 cán bộ y tế trong tỉnh đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Trong suốt những ngày dịch bệnh lây lan với tốc độ chóng mặt, hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến xã vẫn kiên cường trụ vững.
Làm việc không ngừng nghỉ
Khi hệ thống y tế ở Thái Nguyên hoạt động không ngừng nghỉ, rất nhiều người thắc mắc liệu các cán bộ y tế có mắc COVID-19 hay không? Câu trả lời là có.
Bác sĩ Ngô Thị Hồng, Trạm phó phụ trách Trạm Y tế phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Làm việc trong môi trường đậm đặc vi-rút SARS-CoV-2, lại thiếu vật tư, trang phục bảo hộ chống dịch, việc nhiễm bệnh là điều không thể tránh khỏi.
Các cán bộ y tế giống như tất cả mọi người, khi nhiễm bệnh cũng rất mệt mỏi nhưng chúng tôi không cho phép mình gục ngã. Chúng tôi hiểu cán bộ y tế chính là điểm tựa của người dân ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng, bởi ngoài việc tư vấn các loại thuốc điều trị, các y, bác sĩ, điều dưỡng còn hỗ trợ người dân về mặt tinh thần, giúp họ có niềm tin để chiến thắng bệnh tật. Vì lẽ đó, khi nhiễm bệnh, các cán bộ y tế tự động viên nhau và tự nỗ lực vươn lên là chính. Mỗi người đều gắng sức một chút để hỗ trợ nhau làm tốt công việc chuyên môn và chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Trong những tháng cao điểm chống dịch (3 tháng đầu năm nay), 178/178 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có cán bộ mắc COVID-19. Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và cả Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng có cán bộ mắc dịch. Có những cơ sở y tế số người mắc COVID-19 chiếm hơn một nửa hoặc 70-80% trong toàn lực lượng. Khi làm nhiệm vụ, phải đối mặt với khó khăn, hiểm nguy, biết rằng nguy cơ lây nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 rất cao và thậm chí là mắc bệnh nhưng các cán bộ y tế không bao giờ chùn bước. Với họ, còn sức là còn làm việc.
Bác sĩ CKII Lê Hùng Vương, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), người trực tiếp tham gia điều trị các ca mắc COVID-19 thể nặng, nguy kịch trong cả nước và tại Thái Nguyên, cho biết: Theo chia sẻ từ các đồng nghiệp trong tỉnh, tôi được biết hầu hết các cán bộ y tế mắc COVID-19 đều không nghỉ ở nhà. Họ ở lại ngay trong khu điều trị để tham gia chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân. Với những người có triệu chứng ho, sốt… cũng chỉ nghỉ ngơi 2-3 ngày đầu ngay trong khu điều trị. Sau đó họ lại cùng đồng nghiệp tham gia làm việc như bình thường.
Vui khi dịch bệnh “thoái trào”
Những ngày đầu tháng 4, các cán bộ y tế rất vui khi số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn tỉnh liên tục giảm. Họ hạnh phúc hơn khi có nhiều ngày toàn tỉnh không có ca tử vong do mắc bệnh. Đến nay có khoảng 30% dân số trong tỉnh mắc COVID-19 (toàn tỉnh có trên 1,3 triệu người) nhưng đều đã khỏi bệnh; số ca tử vong chỉ chiếm một con số rất nhỏ (trên 110 người, đều là những trường hợp đang mắc bệnh nan y hoặc bệnh lý nền không kiểm soát được).
Bác sĩ CKII Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên chia sẻ: Vậy là sau bao nỗ lực của các cấp, ngành chức năng và những cán bộ y tế nơi tuyến đầu, dịch COVID-19 đang trên đà “thoái trào”.
Chúng tôi hiểu vì sao những “chiến sĩ áo trắng” lại vui, hạnh phúc như vậy, nhất là trong thời điểm dịch bệnh giảm nhanh, số bệnh nhân phải vào bệnh viện điều trị thưa dần như hiện nay. Không phải vì họ lo mình vất vả mà đang lo lắng cho tính mạng và sức khỏe của người dân.
Bác sĩ Vũ Thị Bích Thủy, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) cho biết: Mấy tháng qua là khoảng thời gian vất vả nhất của các tuyến y tế. Chúng tôi phải làm việc không kể ngày đêm, ngủ không trọn giấc, bữa ăn không theo giờ. Có phải vất vả hơn nữa chúng tôi cũng không sợ hãi hay chùn bước. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng hơn cả là dịch bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống và tính mạng, sức khỏe của người dân. Bởi vậy, chúng tôi rất mong thời gian tới đây, nhân dân trong tỉnh không chủ quan trước sự “thoái trào” của dịch bệnh, tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thế mới thấy, đi qua những tháng ngày đầy gian khổ, vất vả nhưng đội ngũ cán bộ y tế vẫn vững vàng vượt qua đại dịch. Họ đã thầm lặng hy sinh cho cuộc sống bình yên của người dân như vậy đó. Mong rằng, mỗi người dân Thái Nguyên hãy thấu hiểu, cảm nhận được sự hy sinh quý giá ấy của các “chiến sĩ áo trắng” để tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch.