Theo các chuyên gia, trước đây, do tính chất chống dịch khẩn cấp nên bắt buộc 1 số đối tượng phải tiêm vắc xin Covid-19. Còn bây giờ, dịch bệnh đã ổn định thì không nên bắt buộc nữa mà phải để người dân tự nguyện.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 162/TB-VPCP ngày 2.6.2022 kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Theo đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp rà soát các quy định của pháp luật về việc tiêm vắc xin Covid-19. Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, trong đó lưu ý rà soát, làm rõ: vắc xin Covid-19 thuộc diện tiêm tự nguyện hay tiêm bắt buộc; số lượng vắc xin đã có và dự kiến nhập khẩu; tình hình phân bổ, sử dụng vắc xin (số đã tiêm, số tồn kho); nhu cầu vắc xin và kế hoạch sử dụng trong thời gian tới.
"Nếu là để bảo vệ cá nhân thì cứ để cá nhân lựa chọn"
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, trước đây, do tính chất chống dịch khẩn cấp nên bắt buộc 1 số đối tượng phải tiêm vắc xin Covid-19. Còn bây giờ, dịch bệnh đã ổn định thì không bắt buộc nữa, ngay cả chương trình tiêm chủng mở rộng, người không tiêm cũng không thấy xử lý.
“Vì vậy, bây giờ là tiêm vắc xin Covid-19 là tự nguyện, vì không có luật bắt buộc phải tiêm và cũng không có gì khẩn cấp để bắt buộc”, bác sĩ Khanh nói. Bác sĩ Khanh đặt vấn đề, nhưng nếu tiêm nhiều thì tiêm để làm gì? Vì trong lịch sử thế giới có vắc xin nào tiêm 3 - 4 mũi trong thời gian ngắn như vậy không? Nên hiện chỉ cần tiêm 3 mũi, những người đặc biệt mới tiêm 4 mũi. Nếu dư vắc xin thì phải hủy, ngay cả thế giới họ cũng làm vậy.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM thì việc tiêm tiêm vắc xin là nên tự nguyện. Ông lý giải: Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã tương đối ổn định, số người tiêm đầy đủ vắc xin đã nhiều. Nếu có người không tiêm vắc xin đầy đủ mà mắc bệnh thì cũng sẽ không lây lan lớn. Hiện nay tiêm là để bảo vệ cá nhân là chủ yếu, còn vai trò bảo vệ cộng đồng là không lớn. Do đó, nếu là để bảo vệ cá nhân thì cứ để cá nhân lựa chọn. Nếu ép buộc dân tiêm mũi 4 thì cũng không phù hợp với các kết quả nghiên cứu của quốc tế.
“Nếu có vắc xin thì tiêm là có lợi hơn có hại. Cá nhân tôi thì khuyên các cá nhân chưa tiêm đầy đủ thì nên tiêm, nhưng nên để người dân tự nguyện lựa chọn”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói. Cũng theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, 5K, trong đó có khai báo y tế là quan trọng hơn nhưng cũng không xử phạt bao nhiêu thì tiêm vắc xin cũng không thể xử phạt được.
Nếu Covid-19 quay lại thì vắc xin hiện nay có hiệu quả?
Nếu có đợt dịch Covid-19 trở lại trong vài năm tới thì vắc xin hiện nay còn có hiệu quả? “Tùy thuộc vào từng loại biến chủng, có biến chủng mới hoàn toàn “trốn” vắc xin, nhưng có loại gần giống như các biến chủng hiện nay thì vắc xin đã tiêm vẫn có hiệu quả bảo vệ. Nhưng khả năng vắc xin hiện nay có lợi ích lâu dài vì vắc xin đánh vào chìa khóa mở cửa tế bào (protein gai), nếu chìa khóa như cũ thì vắc xin vẫn hiệu quả. Tuy nhiên, lợi ích sẽ không quá lớn như thời gian đầu”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói và cho rằng, nếu Nhà nước chưa mua vắc xin thì tôi khuyên đừng mua. Còn nếu đã mua về rồi nếu không dùng thì bỏ đi.
“Covid-19 khó quay lại, nếu có quay lại mà chủng khác độc lực cao hơn thì vắc xin hiện nay sẽ không còn hiệu quả. Nếu xuất hiện biến thể cần tiêm ngừa, lúc đó phải nghiên cứu ra vắc xin phù hợp”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết thêm.
Ngày 8.3.2020, TP.HCM tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên cho tuyến đầu chống dịch (tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới), sau đó mở rộng ra cho đối tượng người từ 18 tuổi trở lên, người từ 12 đến 17 tuổi và người từ 5 đến dưới 12 tuổi. Từ đó đến nay, TP.HCM đã tiêm hơn 20,8 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó, tiêm hơn 8,4 triệu mũi 1, hơn 7,4 triệu mũi 2; 684.411 mũi bổ sung, hơn 4,2 mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3); 7.407 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 3). Trong đó, đối với người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm được hơn 19 triệu mũi. Đối với trẻ từ 12 - 17 tuổi, đã tiêm được hơn 1,4 triệu mũi (bao gồm 737.888 mũi 1 và 697.322 mũi 2). Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đã tiêm được 389.245 mũi (302.878 mũi 1 và 86.367 mũi 2). Kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 là đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12 - 17 tuổi; tổ chức tiêm tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển; tiếp tục tổ chức tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đến ngày 4.6, TP.HCM còn 919.673 liều vắc xin Covid-19; trong đó có 22.327 liều Verocell; 1.420 liều Moderna (trẻ em); 105.600 liều Pfizer (trẻ em) và 790.326 liều Pfizer. |