Thời gian vừa qua, tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Tại Thái Nguyên không xuất hiện tình trạng thiếu vật tư y tế nhưng các cơ sở y tế đang thiếu một số thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp tích cực, các cơ sở y tế đã cơ bản đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại đơn vị mình…
Tại Bệnh viện A Thái Nguyên, hoạt động khám, chữa bệnh ổn định. Bệnh nhân khi đến khám, điều trị nội, ngoại trú đều được cung cấp đủ các loại thuốc theo đơn của bác sĩ.
Chúng tôi được biết, thuốc phục vụ điều trị cho người bệnh của năm 2022 đã được đơn vị đưa vào kế hoạch đấu thầu từ cuối năm 2021 nhưng đến nay, một số loại thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá chưa có kết quả đấu thầu.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng người đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước nên đơn vị không sử dụng nhiều thuốc điều trị.
Đặc biệt, tháng 4 vừa qua, Thái Nguyên đã có kết quả đấu thầu tập trung địa phương (Thái Nguyên đã đấu thầu tập trung tất cả các loại thuốc, trừ những loại thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá) nên Bệnh viện A vẫn chủ động được nguồn thuốc điều trị cho người bệnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại thuốc mà một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang thiếu chủ yếu là: Alfunzosin Hydroclorid 10mg (dùng trong điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt); Amiodaron 200mg (chống loạn nhịp tim); Pipecuronium bromid 4mg (thuốc giãn cơ); Lovenox (thuốc chống đông), Xenetix 300 (cản quang dùng trong chụp XQuang)…
Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Nguyên nhân thiếu các loại thuốc vừa kể trên là do 2 năm nay chưa có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá. Bởi vậy, nhiều cơ sở y tế phải tự mua các loại thuốc này theo các hình thức khác.
Ngoài thiếu các loại thuốc nêu trên, hiện nay, các cơ sở y tế trong tỉnh còn thiếu thuốc y học cổ truyền. Nguyên nhân là do các vị thuốc cổ truyền đã trúng thầu (phòng phong, kinh giới, ngũ gia bì chân chim, dây đau xương…) nhưng nhà thầu không cung ứng, do chưa có giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Thông tư số 38/2021/TT-BYT (khi chưa có giấy đăng ký lưu hành thì không được phép sử dụng tại các cơ sở y tế).
Khó khăn chồng lên khó khăn khi một số vị thuốc y học cổ truyền chưa có giấy đăng ký lưu hành, còn tồn kho tại các cơ sở khám, chữa bệnh cũng không được sử dụng theo quy định tại Mục A, Khoản 5, Điều 26 của Thông tư số 38.
Bác sĩ CKII Trương Thị Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh nói: Quá trình thực hiện Thông tư số 38 của Bộ Y tế, chúng tôi gặp rất nhiều vướng mắc khi sử dụng, thanh toán BHYT đối với các vị thuốc cổ truyền đã trúng thầu tại các cơ sở y tế.
Đáng nói, hiện nay còn nhiều vị thuốc cổ truyền chưa được cấp số đăng kí lưu hành nên một số cơ sở y tế trên địa bàn đang thiếu nhóm thuốc này.
Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tổ chức đấu thầu tập trung danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá đảm bảo đúng tiến độ; hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn khi thực hiện Thông tư số 38, khẩn trương cấp số đăng ký lưu hành cho các cơ sở y tế, có lộ trình thực hiện. Đặc biệt là hướng dẫn cụ thể với trường hợp những vị thuốc cổ truyền chưa có giấy đăng ký lưu hành nhưng đã được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh mua và bảo quản trong kho trước ngày Thông tư số 31/2016/TT-BYT có hiệu lực…